Vì sao các hãng thường dùng chung nền tảng cho nhiều mẫu xe khác nhau?

Việc các hãng sản xuất xe dùng chung một nền tảng khung gầm để chế tạo ra nhiều mẫu xe khác nhau chẳng còn lạ lẫm gì nữa trong ngành công nghiệp ô tô hiện nay.

Điển hình là một chiếc Chevrolet Tahoe tiêu chuẩn có giá khởi điểm 49.195 USD trong khi chiếc Cadillac Escalade rẻ nhất có giá 76.490 USD, chênh lệch nhau tới hơn 27.000 USD nhưng đều được xây dựng trên cùng một nền tảng. Thậm chí với số tiền bỏ ra cho 1 chiếc Escalade bổ sung đầy đủ các tùy chọn thì khách hàng có thể mua được hẳn 2 chiếc Tahoes. Hiển nhiên Escalade là chiếc SUV ở phân khúc cao cấp hơn với độ sang trọng cũng như công nghệ tốt hơn, nhưng nếu xét về các chi phí vật liệu sản xuất thì chi phí cho một chiếc Escalade cũng không lớn hơn là bao so với chi phí sản xuất một chiếc Tahoe. Vậy sự khác biệt về giá bán đến từ đâu? Mấu chốt chính là ở việc nghiên cứu điều chỉnh các thông số, kích thước, thiết kế trên nền tảng sẵn có để tạo thành những chiếc xe khác nhau.

Volkswagen MQB

Chiến lược chia sẻ một nền tảng khung gầm cho nhiều mẫu xe khác nhau trong ngành công nghiệp ô tô đã được các hãng áp dụng trong nhiều thập kỷ qua. Ví dụ, từ những năm 1960 đã có cùng lúc 4 mẫu xe là Chevrolet Chevelle, Pontiac LeMans, Buick Special và Oldsmobile Cutlass đều sử dụng cùng một nền tảng. Cho đến ngày nay việc chia sẻ nền tảng không những ngày càng trở nên phổ biến mà còn "tiến bộ" hơn trước.

Thuật ngữ nền tảng ở đây gồm những phần chủ chốt của chiếc xe như khung sàn, hệ thống truyền động, hệ thống treo và các trục bánh xe. Các mẫu crossover thường được phát triển dựa trên nền tảng của một chiếc sedan hoặc hatchback trong dải sản phẩm của một hãng. Nhưng ở Volkswagen, điển hình là mẫu Atlas, hãng đã xây dựng chiếc SUV cỡ trung này trên nền tảng kiến ​​trúc MQB vốn được sử dụng cho nhiều loại xe khác của hãng bao gồm cả Golf và Jetta. Có thể thấy lợi ích lớn nhất của việc sử dụng chung nền tảng theo mô-đun là tính linh hoạt. Đối với Volkswagen, nền tảng MQB được phát triển theo dạng mô-đun có thể linh động điều chỉnh các kích thước như chiều cao, chiều rộng và chiều dài để để tạo ra nhiều mẫu xe đa dạng hơn trong khi vẫn sử dụng cùng một nền tảng.

Không chỉ dừng lại ở một công ty hay một tập đoàn mà chiến lược chia sẻ nền tảng còn thu hút nhiều hãng xe khác nhau cùng hợp tác thực hiện. Trên thực tế, khi đặt một chiếc SUV cỡ nhỏ Mercedes-Benz GLA cạnh Infiniti QX30, không khó để ngay lập tức nhận ra điểm tương đồng. Trong khi đó nếu cố gắng áp dụng logic thiết kế cho trường hợp Atlas và Golf, nhiều khách hàng sẽ không nhận ra hai mẫu xe này vốn được phát triển trên cùng một hệ thống khung gầm. Và việc giải mã những chiếc xe chia sẻ nền tảng khung gầm chưa bao giờ là việc đơn giản.

Mercedes-Benz GLA và Infiniti QX30 dùng chung một nền tảng

Stephanie Brinley, chuyên gia phân tích ô tô của IHS Markit, cho biết: "Một khi mọi thứ trở nên phổ biến nó sẽ giúp giảm độ phức tạp trong nhiều quy trình, một trong số đó là giảm chi phí cho các công đoạn chế tạo sản phẩm và chi phí cho các bộ phận khác. Đồng thời các quy trình sản xuất cũng được phổ cập hóa từ cách mọi thứ được kết hợp với nhau cho đến thứ tự lắp ráp, qua đó cải thiện chất lượng khi mọi quá trình trở nên chuyên nghiệp hơn."

Khi nhiều mẫu xe chia sẻ chung nền tảng thì các bộ phận và khung gầm sẽ được sản xuất với số lượng lớn hơn, qua đó giúp lợi nhuận từ một chiếc xe tăng cao hơn. Hầu hết chi phí tiết kiệm được thường ở trong các giai đoạn lập kế hoạch và phát triển sản phẩm. Trung tâm Nghiên cứu ô tô Mỹ cho biết lí do lợi nhuận có liên quan nhiều đến việc chia sẻ nền tảng là vì: "Việc phát triển nền tảng khá tốn kém, đòi hỏi các hãng xe phải đạt ngưỡng doanh số tối thiểu để thu hồi vốn trước khi tính đến chi phí kỹ thuật và thiết bị. Đây là động lực chính để giảm thiểu số lượng nền tảng trong danh mục đầu tư của các hãng đồng thời tập trung vào các nền tảng toàn cầu để có thể sản xuất số lượng lớn nhất các thiết bị và bộ phận phổ biến."

Nếu một nhà sản xuất có thể bán nhiều dòng xe khác nhau trên cùng một nền tảng, lợi nhuận thu về sẽ lớn hơn nhiều lần so với việc bán nhiều mẫu xe mà dùng các nền tảng khác nhau. Đặc biệt khi cùng lúc một nền tảng được chia sẻ giữa các mẫu xe sang trọng đắt tiền và các mẫu xe phổ thông thì lợi nhuận có thể còn lớn hơn nữa. Quá trình sản xuất trở nên hiệu quả hơn về chi phí vì có ít sự khác biệt giữa các thiết bị hay nguồn cung ứng các bộ phận. Nói chung tiết kiệm chi phí vẫn là yếu tố quan tâm hàng đầu ở đây.

Tuy nhiên, việc chia sẻ một nền tảng cho nhiều mẫu xe khác nhau cũng ẩn chứa một số mặt bất cập. Nó có thể dần làm "hao mòn" danh tiếng của một chiếc xe cao cấp. Khách hàng có thể sẽ không còn thích thú với phiên bản sang trọng hơn của một chiếc xe nếu họ nhận thấy quá nhiều điểm tương đồng giữa nó và sự lựa chọn nhẹ nhàng hơn.

Bên cạnh đó, một loạt các quy định và yêu cầu khác nhau ở từng quốc gia trên thế giới khiến cho việc xây dựng một nền tảng duy nhất sử dụng trên toàn cầu trở nên khó khăn hơn. Do đó, mỗi một hãng xe phải thiết kế, điều chỉnh toàn bộ kiến ​​trúc của nền tảng để tuân thủ các quy tắc trong mọi thị trường mà họ dự định bán chiếc xe. Stephanie Brinley chỉ ra ví dụ về mẫu Tesla Model 3, màn hình thông tin giải trí cỡ lớn của nó tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn của Mỹ, nhưng lại không đáp ứng quy định ở thị trường Châu Âu về mặt kích thước. Điều này buộc Tesla phải sửa đổi lại nội thất để nó được bán ở một số quốc gia nhất định.

Một ví dụ khác về việc chia sẻ nền tảng và gặp vấn đề trên diện rộng khiến nhà sản xuất phải thu hồi hàng triệu chiếc xe là túi khí Takata. Brinley chia sẻ: "Với cùng một bộ phận dùng cho nhiều loại xe khác nhau, khi thu hồi bộ phận đó thì chi phí khắc phục sẽ cao hơn nhiều. Đó chính là một rủi ro lớn."

Bất kể những rủi ro trong việc chia sẻ nền tảng, nó vẫn sẽ là hướng đi phát triển tương lai của cả ngành công nghiệp. Thậm chí việc chia sẻ nền tảng ô tô sẽ còn phát triển nhiều hơn nữa khi làn sóng xe điện xuất hiện vì sự phức tạp của các nền tảng xe điện.


Brinley cho biết: "Tiềm năng phát triển của xe điện rất lớn với thiết kế bộ pin, động cơ điện có thể dễ dàng lắp đặt và thay thế, mặt khác xe điện cũng không cần sử dụng nhiều không gian cho hệ thống truyền động nên việc chia sẻ nền tảng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều."

Sẽ không có giới hạn đối với việc phát triển chiến lược chia sẻ nền tảng vì các nhà sản xuất sẽ không ngừng phá vỡ các giới hạn đó, ít nhất là cho đến khi họ không còn muốn kiếm tiền nữa. Mặt khác, các hãng cũng sẽ giữ mọi thứ ở mức độ hợp lí vì nếu cứ mở rộng với một nền tảng thì chi phí sửa đổi có khi còn lớn hơn việc tạo ra một nền tảng mới.

Ví dụ ở trên về Tahoe và Escalade là một trong những minh họa điển hình của việc chia sẻ nền tảng một cách hoàn hảo. Nếu so sánh hai chiếc SUV, sẽ không có gì khó khăn khi thấy rằng Escalade mượn một số lượng lớn các bộ phận từ "người anh em" cấp thấp của mình đến từ Chevrolet. Những khách hàng thông thái có thể sẽ nhận thấy sự tương đồng giữa các thương hiệu chia sẻ nền tảng. Và việc này sẽ vẫn còn tiếp tục, bởi vì đây là cách tốt nhất để tiết kiệm chi phí cho các hãng xe hơi nếu họ có hướng đi đúng. 

"Các nỗ lực để dùng chung một nền tảng cho nhiều mẫu xe khác nhau vẫn đang diễn ra và tiếp tục diễn ra," Brinley kết luận.

Chia sẻ bài đăng
Văn Hóa Xe