Romano Artioli - Vị cứu tinh của Bugatti

Năm 1952, một kỹ thuật viên trẻ người Ý ở độ tuổi 20 đã vô cùng sững sờ khi chứng kiến Bugatti ngừng sản xuất một cách đầy tiếc nuối ở Molsheim, Pháp. Ba thập kỷ sau, kỹ thuật viên ngày đó đã là một doanh nhân thành đạt và quyết tâm hồi sinh thương hiệu này bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho những nền tảng hình thành nên thương hiệu Bugatti ngày nay. Người đàn ông đó là Romano Artioli, và ông vừa đón sinh nhật lần thứ 90 của mình.

Romano Artioli - Vị cứu tinh của Bugatti
 
Romano Artioli từ nhỏ đã thể hiện niềm đam mê cũng như tiềm năng của mình trong ngành công nghiệp ô tô. Ngay cả khi còn là một đứa trẻ, một cuốn sách dạy lái xe đơn giản đã thu hút tâm trí ông mạnh mẽ đến mức khiến ông đọc đi đọc lại nó nhiều lần từ trang đầu đến trang cuối. Lớn lên ông học kỹ thuật cơ khí và sửa chữa ô tô trước khi thành lập một doanh nghiệp nhập khẩu và bán lẻ ô tô. Đến giữa những năm 1980, công việc kinh doanh này nhanh chóng thành công, đến mức Romano có thể đàm phán với Chính phủ Pháp để mua lại Bugatti. Năm 1987, giấc mơ của ông đã trở thành hiện thực.

Romano đã nhận ra tầm quan trọng của Molsheim như một biểu tượng của thương hiệu. Nhưng các kỹ sư và nhà thiết kế mà ông cần để tạo ra thứ gì đó có một không hai đã không còn ở khu vực này nữa. Sự tái sinh của Bugatti phải được đánh dấu bằng một chiếc xe vẫn đúng với đặc tính của người sáng lập hãng: "Nếu so sánh được, đó không còn là Bugatti nữa". Do đó, Romano cần những kỹ sư tài giỏi nhất, những bộ óc kỹ thuật hàng đầu, cơ sở vật chất tốt nhất, những nhà thiết kế có tầm nhìn xa nhất, và nhiều người trong số họ có thể tìm thấy ở Modena, Ý.

Từ cuối những năm 1980, nhà máy sản xuất ô tô hiện đại nhất thế giới đã được xây dựng với quy hoạch chuyên sâu trên một khu đất rộng 240.000 m2 ở khu vực lân cận Ferrari, Maserati, De Tomaso và Lamborghini. Khu phức hợp gồm tòa nhà hành chính, xưởng thiết kế, khu vực phát triển thử nghiệm và động cơ, xưởng sản xuất, đường chạy thử, căng tin mang tính thời trang và khu triển lãm.

Bản thân những cơ sở vật chất đã rất ấn tượng, nhưng Romano Artioli biết rằng tinh thần gia đình và cộng đồng luôn rất quan trọng đối với sự thành công của Bugatti. Ông đã thành lập một đội ngũ nhân viên gồm những người gắn bó chặt chẽ với nhau, dẫn dắt bởi một số kỹ sư và nhà thiết kế vĩ đại nhất trong thế hệ của họ. Tuy đó là một đội mà ông sẽ không thể tập hợp lại ở Molsheim, nhưng ông vẫn muốn tái tạo cảm giác tự hào và cộng đồng khổng lồ mà Ettore Bugatti đã thành lập với tên gọi "Le Patron" ở Pháp.
 
Romano Artioli - Vị cứu tinh của Bugatti
 
Từ những bộ óc thông minh của Nicola Materazzi, Marcello Gandini, Giampaolo Benedini và tất nhiên không thể thiếu Romano Artioli, siêu xe thể thao tốt nhất và nhanh nhất trên thế giới EB110 đã ra đời. EB110 nổi bật với khung gầm carbon sản xuất hàng loạt đầu tiên, hệ dẫn động tất cả các bánh, bốn bộ tăng áp, và động cơ 3.5L V12 kết hợp 5 van trên mỗi xi-lanh và công suất 560 mã lực. Ra mắt bất ngờ vào đúng sinh nhật lần thứ 110 của Ettore Bugatti, chiếc xe tuy khá đơn giản nhưng lại không giống bất cứ thứ gì khác từng xuất hiện trên đường. Trên thực tế, EB110 mang thiết kế hướng tới tương lai và phá vỡ nhiều quy ước đến mức làm cho một số nhà đánh giá nghi ngờ về cách xử lý và tỷ lệ của nó. Nhưng EB110 vẫn tiếp tục đạt được sự công nhận từ cả giới thiết kế cũng như toàn ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.

Achim Anscheidt, Giám đốc Thiết kế Bugatti, chia sẻ: "Romano Artioli không chỉ có một tình yêu mãnh liệt với Bugatti, hơn thế nữa, ông ấy còn hiểu nó một cách sâu sắc. Khi mua lại Bugatti, ông biết rằng nếu chỉ chạy theo những chiếc xe giống với phần còn lại của ngành công nghiệp thì không thực sự đúng với tinh thần của người sáng lập. Trong khi những hãng khác đang tạo ra những chiếc xe đua dành cho đường phố, thì Romano chọn theo đuổi những chiếc GT vượt trội. Và ông ấy đã làm được điều đó với những công nghệ chưa từng thấy trên một chiếc xe đường phố kết hợp một thiết kế thanh lịch vượt thời gian, và theo mọi nghĩa, đó thực sự là một chiếc Bugatti."

Kết quả là EB110 ngay lập tức thu hút những người mê xe bất kể xuất thân của họ là gì. Chiếc xe trở thành giấc mơ của thanh thiếu niên cho đến khao khát của những người sành điệu muốn trở thành một phần của biểu tượng Bugatti mới. Có lẽ người hâm mộ cuồng nhiệt nhất của EB110 vào thời điểm đó là Michael Schumacher, tay đua này đã mua chiếc EB110 SS màu vàng có nội thất màu xanh vào năm 1994.

Nhưng dù EB110 được coi là một kiệt tác thực thụ cho tương lai, hướng đi sáng tạo của Romano không thể đối đầu với suy thoái kinh tế toàn cầu nghiêm trọng lúc đó. Dù có rất nhiều người quan tâm và sức hút vô cùng mạnh mẽ của nó, giống như rất nhiều thứ khác vào thời điểm đó, EB110 đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi một cuộc thanh trừng mạnh mẽ và đau đớn. Ngày 23/9/1995, Romano nộp đơn xin phá sản.
 
Centodieci

EB110 sau này là nguồn cảm hứng cho một phiên bản giới hạn chế tác theo yêu cầu hoàn toàn mới của Bugatti: Centodieci. Được giới thiệu vào năm 2019, đội ngũ thiết kế Bugatti đã mô phỏng lại thời khắc mang tính biểu tượng này trong lịch sử Bugatti ở kỷ nguyên hiện đại. Romano không chỉ mưu cầu sự tái sinh cho Bugatti mà còn hình dung ra siêu xe đầu tiên trên thế giới - EB110. Chỉ có 10 chiếc Centodieci được chế tạo thủ công tại Molsheim Atelier.

Tinh thần về gia đình và cộng đồng mà Romano đã tỉ mỉ tích hợp vào chính công ty của mình chưa bao giờ phai nhạt. Trong giai đoạn nghiên cứu Centodieci, đội thiết kế đã nói chuyện với một số người tạo ra EB110 ban đầu, nhiều người trong số đó đã nhớ lại những trải nghiệm của họ với đôi mắt đẫm lệ. Ở nhà xưởng Fabbrica Blu, cho đến ngày nay, các công cụ vẫn còn trên bàn làm việc và lịch treo trên tường, ý nghĩa rằng mọi người chưa từng suy nghĩ về việc sẽ rời nơi này, đó là niềm tin vào công ty và tầm nhìn của thương hiệu.

Achim Anscheidt cho biết: "Chúng tôi ở Bugatti ngày hôm nay có rất nhiều điều để cảm ơn Romano. Ông ấy là một người có trái tim ấm áp với niềm đam mê lớn dành cho Bugatti. Với sự mạnh tay của mình trong việc hồi sinh hãng xe vào những năm 80 và xác định tầm nhìn ở thời hiện đại, ông ấy đã đặt nền móng cho việc tạo ra Veyron và những nét đặc trưng của Bugatti ngày nay."

Ngày nay, sức ảnh hưởng của EB110 vẫn rất rõ ràng. Trên khắp thế giới, đứa con tinh thần của Romano Artioli vẫn có giá trị sưu tập cao và là mẫu xe đáng mơ ước, liên tục lập kỷ lục giá tại các cuộc đấu giá uy tín nhất thế giới. Theo đó, tại buổi đấu giá Gooding & Company Auction ở Pebble Beach, một chiếc EB110 Supersport đã được bán với con số kỷ lục 3,16 triệu USD.

Chia sẻ bài đăng
Văn Hóa Xe