Công nghệ thực tế ảo: Động lực phát triển ngành bán lẻ ô tô tương lai

Công nghệ thực tế ảo đã được áp dụng thành công trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất xe hơi. Trong tương lai, công nghệ này sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy ngành bán lẻ ô tô phát triển vượt bậc.
 
Công nghệ thực tế ảo là động lực thúc đẩy ngành bán lẻ ô tô

Việc áp dụng các công nghệ hiện đại vào ngành công nghiệp ô tô là một phần tất yếu trong công cuộc phát triển để đáp ứng nhu cầu cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường. Trong đó, công nghệ thực tế ảo có thể mang lại những lợi ích đáng kể cho ngành bán lẻ xe hơi và có tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Công nghệ thực tế ảo có gì đặc biệt?

Không thể phủ nhận rằng, thực tế ảo hiện nay được áp dụng rất phổ biến trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Công nghệ này giúp tăng trải nghiệm người dùng và mang lại rất nhiều lợi ích. Vậy, thực tế ảo có gì đặc biệt?

VR (Virtual Reality) thực tế ảo là công nghệ tạo ra một thế giới ảo thông qua mô phỏng của máy tính. Các giả lập này có thể là hình ảnh, địa điểm mà người dùng tưởng tượng ra và chân thực đến mức có thể đánh lừa giác quan của người trải nghiệm. Trong thế giới này, người trải nghiệm có thể điều khiển hoặc di chuyển đồ vật xung quanh bằng bộ điều khiển xúc giác.

AR (Augmented Reality) thực tế ảo tăng cường là công nghệ kết hợp không gian thật với thông tin ảo để tạo thành một thế giới quan đầy màu sắc, bằng cách chiếu hình ảnh và nhân vật giả lập thông qua máy ảnh của điện thoại hoặc trình video. AR xem thế giới thực là trung tâm nhưng tăng cường thêm các chi tiết kỹ thuật số khác, chồng thêm tầng nhận biết và bổ sung thực tế. Với AR, người dùng có thể thoải mái tương tác với nội dung ảo ngay trong đời thực như: chạm vào, nắm bắt, cảm nhận...

Cả hai công nghệ trên đều mang đến trải nghiệm phong phú nhờ kết hợp giữa thế giới ảo và thực thông qua hình ảnh 3D sống động. Tuy nhiên, giữa AR và VR vẫn có 4 điểm khác biệt sau:

- VR hoàn toàn ảo, trong khi AR sử dụng cài đặt dựa trên nền tảng thế giới thực.

- Người dùng VR được kiểm soát bởi hệ thống, còn người dùng AR có thể kiểm soát sự hiện diện của họ trong thế giới thực.

- VR yêu cầu sử dụng thiết bị hỗ trợ (tai nghe, kính thực tế ảo...), còn AR có thể truy cập bằng điện thoại thông minh.

- VR nâng cao thực tế hư cấu, trong khi AR nâng cao cả thế giới ảo và thực.

Công nghệ thực tế ảo VR tạo ra không gian hoàn toàn ảo
 
Để kết nối AR/VR cần phải có 2 thành phần chính là phần mềm (software) và phần cứng (hardware). Trong đó, phần mềm có nhiệm vụ tạo hình và mô phỏng không gian thế giới ảo cũng như mô phỏng động học, cách ứng xử của đối tượng trải nghiệm. Phần cứng sẽ là các thiết bị hiển thị được đồ họa, truyền dữ liệu, bộ phản hồi cảm giác để hỗ trợ tạo trải nghiệm thực.

Muốn kích hoạt AR, người dùng cần sử dụng điện thoại thông minh kết hợp với dữ liệu có sẵn trong phần mềm, có thể sử dụng trên không gian thật và không gian thật có mô hình bổ trợ. Đối với VR người trải nghiệm chỉ cần đeo kính, tai nghe, găng tay hoặc áo liền quần để có thể nhìn thấy các hình ảnh hoặc video 3D sống động và chân thực.

Công nghệ thực tế ảo là động lực phát triển ngành bán lẻ ô tô tương lai

Tại các nước phát triển, thực tế ảo đang được ứng dụng trong mọi lĩnh vực: khoa học kỹ thuật, kiến trúc, giáo dục, giải trí, quân sự, và đặc biệt là xe hơi... Trong hiện tại và tương lai, công nghệ này là động lực tất yếu thúc đẩy sự phát triển cho ngành bán lẻ ô tô.

Công nghệ thực tế ảo ứng dụng trong ngành công nghiệp ô tô như thế nào?

Với sự trợ giúp của công nghệ thực tế ảo, ngành công nghiệp ô tô có thể tạo ra một nền tảng tiếp thị cá nhân hóa, giúp nhà sản xuất hình thành kết nối cảm xúc sâu sắc hơn với khách hàng. Điều này góp phần tạo mối liên kết mật thiết giữa thương hiệu và người tiêu dùng.

Thực tế ảo kết hợp với AI ứng dụng trên ô tô

Thực tế ảo tăng cường AR kết hợp với sự hỗ trợ của 5G và AI để tạo xu hướng dẫn lối cho việc phát triển tính năng thông minh trên ô tô tương lai. Mạng 5G và công nghệ trí tuệ nhân tạo chính là nền tảng mang đến cho người dùng những trải nghiệm khác biệt và tiện ích như: giao tiếp với môi trường xung quanh, tự hành hoàn toàn, đảm bảo an toàn, điều khiển bằng giọng nói... tạo ra trải nghiệm “rảnh tay” cho người điều khiển.

Ngoài ra, thực tế ảo VR còn được ứng dụng trong hoạt động sản xuất tại doanh nghiệp như: giúp quá trình thiết kế xe trở nên trực quan, tham gia vào quá trình đào tạo kỹ thuật viên để chi tiết hoá dễ dàng với không gian đa chiều.

Cuối cùng, công nghệ thực tế ảo trở thành cơ chế thúc đẩy doanh số bán hàng cho các nhà sản xuất và kinh doanh xe hơi. AR/VR được trang bị tại các điểm bán để khách hàng trải nghiệm không gian ngoại thất, nội thất, tính năng và lái thử xe. Với những lợi thế về tính đa dụng, AR/VR giúp các điểm bán hàng đều trở thành một showroom khổng lồ khi trưng bày được nhiều mẫu xe, đủ bộ màu sắc chỉ với một thao tác bấm nút để lựa chọn. Công nghệ thực tế ảo cũng giúp khách hàng ngồi tại nhà và chiêm ngưỡng các mẫu xe từ xa, với tất cả mọi chi tiết và trải nghiệm như ngồi trong một chiếc xe thật.

Tương lai của công nghệ thực tế ảo thay đổi ngành bán lẻ ô tô toàn cầu

Năm 2020, quy mô thị trường thực tế ảo toàn cầu được định giá 15,81 tỷ USD, riêng ngành bán lẻ chiếm tỷ trọng lớn nhất trên 80%. Dự kiến thị trường thực tế ảo trong ngành ô tô sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép 32%, tương đương với 5,1 tỷ USD trong năm 2021-2025 theo báo cáo của MarketWatch (đơn vị nghiên cứu tài chính hàng đầu tại Hoa Kỳ). Mặc dù còn non trẻ, nhưng AR/VR lại thể hiện sự phát triển mạnh mẽ và không có dấu hiệu suy giảm.

Khoảng 53% người tiêu dùng cho biết họ rất quan tâm đến việc sử dụng AR/VR khi đến các showroom trải nghiệm. Dự kiến ngành bán lẻ thực tế ảo sẽ tăng lên 65,9 triệu đơn vị vào cuối năm 2022. Và cuối năm 2021, thị trường AR sẽ tăng trưởng lên 1 tỷ người dùng.

Thị trường thực tế ảo ngành càng tăng trưởng mạnh
 
Sự thành công của AR/VR là do người tiêu dùng bắt đầu tìm kiếm và sử dụng công nghệ này trong những năm gần đây. Theo trang tin Linchpin, 70% khách hàng tin tưởng rằng AR có thể mang lại lợi ích cho bản thân.

Thực tế ảo sẽ trở thành công nghệ đóng vai trò nòng cốt thúc đẩy sự phát triển cho ngành bán lẻ ô tô. Dưới đây là một số lý do AR/VR là ý tưởng đầy hứa hẹn đối với lĩnh vực này.

Phù hợp với mong đợi của khách hàng: một nghiên cứu của V12 Data (công ty cung cấp dịch vụ phân tích dữ liệu tại Mỹ) đã chỉ ra rằng, 70% khách hàng cho biết thực tế ảo VR trên ô tô là yếu tố cần thiết để họ đưa ra quyết định cuối cùng.

Gia tăng doanh số bán hàng: khi cung cấp cho khách hàng trải nghiệm mà họ muốn sẽ tạo ra cộng hưởng tích cực trong buổi bán hàng. Đây sẽ là yếu tố quyết định tỷ lệ chốt đơn.

Giảm chi phí: khi chuyển sang trải nghiệm xe hơi thực tế vào thế giới ảo thì doanh nghiệp không phải duy trì một phòng trưng bày khổng lồ. Đây chính là cơ hội để ngành bán lẻ ô tô tiết kiệm chi phí về nhân sự, duy trì, bảo dưỡng, vệ sinh...

Thiết lập, định hướng dữ liệu phù hợp với thị hiếu: thông qua việc theo dõi hành vi của người dùng trong thế giới ảo, nhà sản xuất và đại lý xe hơi có thể thu thập các thông tin có giá trị về thị hiếu thực tế của người dùng. Dữ liệu này có vai trò quan trọng giúp tạo ra các mẫu xe có khả năng tiếp thị hiệu quả hơn.

Chia sẻ bài đăng
Công Nghệ