Lịch sử hơn 20 năm dòng xe thể thao Audi TT

Số lượng những mẫu roadster hiện đại có lịch sử sản xuất trên 20 năm không có nhiều. Hiện chỉ có bộ ba "Holy Trinity" vẫn đang được sản xuất gồm mẫu xe có giá phải chăng nhất MX-5 của Mazda, đắt nhất là Boxster đến từ Porsche, và ở giữa là chiếc Audi TT nổi bật. Giống như hai chiếc còn lại, Audi TT sở hữu phong cách riêng và cho trải nghiệm lái thú vị. Khác ở chổ là Audi TT đã trải qua 3 thế hệ trong hình dáng một chiếc coupe 2+2 và mui trần.

Nguồn gốc: California

Audi TT bắt đầu được phát triển tại Trung tâm Thiết kế Volkswagen ở California vào năm 1994. Phiên bản concept của Audi TT ra mắt tại Frankfurt vào năm 1995 được tạo ra bởi các nhà thiết kế người Mỹ là J Mays và Freeman Thomas. Trước đây, J Mays từng làm việc cho BMW. Tại Audi, ông đã tham gia thiết kế Audi 100 C4, Volkswagen Golf Mk3 và Volkswagen Polo. Thomas đến với Audi từ Porsche, sau đó cả hai đã hợp tác cùng nhau để thể hiện đường nét thiết kế hiện đại trên Volkswagen Beetle.
 
Audi TT thế hệ đầu tiên

Audi đã có một ý tưởng cho chiếc xe thể thao trong dòng sản phẩm của mình vào thời điểm đó. Hãng muốn tạo ra một chiếc xe thể thao thực sự có thể kích thích mọi người và tạo ra sự hiếu kỳ. Khi trưng bày thiết kế tại Frankfurt, Audi không chỉ đạt được điều này mà còn khiến cả ngành công nghiệp ô tô lúc bấy giờ phải kinh ngạc. Vào thời điểm đó, thiết kế xe hơi đang phụ thuộc vào thiết kế máy tính sơ khai và trở nên nhạt nhẽo. Audi TT khác biệt đột ngột xuất hiện với những đường nét mượt mà và vẻ ngoài tràn đầy năng lượng, chịu ảnh hưởng của những chiếc xe đua trước chiến tranh và sedan thời hậu chiến của Auto Union.

Thiết kế nội thất: Mang nhiều nét khác lạ

Audi TT chịu ảnh hưởng từ khắp mọi lĩnh vực, bao gồm cả âm nhạc, kiến ​​trúc và thời trang, tuy nhiên phần nội thất chủ yếu được lấy cảm hứng từ môn bóng chày. Đội ngũ thiết kế nội thất bao gồm Romulus Rost, Martin Smith, Hartmut Warkuss và Peter Schreyer. Rost thích ý tưởng về cách quả bóng được giữ cố định tại một vị trí bằng găng tay bóng chày và lấy nó làm ý tưởng cho hệ thống ghế ngồi. Anh ấy muốn mọi người bên trong Audi TT hòa làm một với chiếc xe, và đó là lý do tại sao ghế ngồi của xe có hình dạng giống như găng tay bóng chày. Bên cạnh những chiếc ghế thoải mái, nội thất được bài trí khéo léo và tập trung vào người lái. Khoang cabin của xe cũng đi theo hướng tối giản để tránh các lỗi quá tải như các nhà sản xuất ô tô những năm 1990 với quá nhiều nút và công nghệ lòe loẹt.
 
Audi TT thế hệ đầu tiên

Kết quả, nội thất của Audi TT đã nhận được nhiều giải thưởng, và khuôn mẫu của nó được tiếp tục ứng dụng qua các thế hệ đồng thời góp một phần lớn trong thành công của TT.

Audi TT thế hệ đầu tiên

Một mẫu xe ý tưởng được đưa vào sản xuất mà chỉ có một vài thay đổi đến nay vẫn là một điều hiếm hoi, nhưng Audi TT đã làm được điều đó. Phải mất 3 năm sau khi giới thiệu tại Frankfurt, quá trình sản xuất mới bắt đầu. Các kỹ thuật sản xuất mới như hàn laser đã được sử dụng để tạo ra các đặc điểm thiết kế liền mạch, nhưng quá trình này cũng dẫn đến một số đình đốn và chậm trễ. TT cuối cùng được tung ra thị trường vào tháng 9/1998 dưới dạng một chiếc coupe, tiếp theo là phiên bản roadster vào tháng 8/1999.
 
Audi TT thế hệ đầu tiên
 
Trong quá trình phát triển, Audi TT được đặt tên là Type 8N nhưng chiếc xe cần có một cái tên thương mại thực thụ. Chiếc xe thể thao được lấy tên từ cuộc đua xe máy Isle of Man TT (Tourist Trophy) hàng năm của Anh. Cái tên này bắt nguồn từ một trong những công ty ban đầu sáp nhập để thành lập Audi là NSU. Công ty NSU sản xuất ô tô và xe máy, bắt đầu cạnh tranh tại Isle of Man TT vào năm 1911. NSU tiếp tục giành chiến thắng tại giải đua vào những năm 1960 trước khi được Volkswagen mua lại vào năm 1969 và sau đó hợp nhất với Auto Union để tạo thành Audi hiện đại.

Tiến vào thị trường không mấy suôn sẻ

Sẽ rất dễ bị lãng quên, nhưng Audi TT gặp nhiều vấn đề trong quá trình hoạt động hơn so với công nghệ sản xuất mới của nó. Hàng loạt vụ va chạm ở tốc độ cao đã gây xôn xao dư luận và gây chú ý về khả năng ổn định của chiếc xe ở tốc độ hơn 177 km/h. Các vấn đề xảy ra khi thay đổi làn đường đột ngột hoặc cua gắt, khiến TT bị thu hồi, sau đó là tinh chỉnh cho các mẫu đang sản xuất - thêm vào hệ thống cân bằng điện tử và cánh gió sau.
 
Audi TT

Sau khi các vấn đề đã được khắc phục, Audi TT bắt đầu nhận được các đánh giá và giải thưởng rực rỡ, bao gồm cả việc lọt vào danh sách 10 mẫu xe tốt nhất của tạp chí Car and Driver vào năm 2000 và 2001.

Hệ thống truyền động và Audi TT quattro Sport

Dưới mui xe, Audi TT được trang bị tiêu chuẩn với động cơ tăng áp 1.8L 4 xi-lanh, ngoài ra còn có tùy chọn động cơ tương tự với bộ tăng áp lớn hơn và động cơ hút khí tự nhiên Volkswagen VR6 6 xi-lanh. Các động cơ này mang lại cho Audi TT công suất lần lượt là 178 mã lực, 222 mã lực và 247 mã lực. Ban đầu Audi TT đi kèm hộp số sàn, hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian quattro là tùy chọn. Phiên bản sử dụng động cơ V6 được trang bị quattro tiêu chuẩn. Vào năm 2006, hộp số ly hợp kép 6 cấp được giới thiệu cùng với hệ thống treo cứng hơn. Audi TT cũng là chiếc xe đầu tiên được trang bị động cơ diesel tăng áp TDI của Volkswagen.
 
Audi TT quattro Sport

Năm 2005, TT ra mắt phiên bản giới hạn đầu tiên. Audi TT quattro Sport (Audi TT Club Sport ở Châu Âu) sử dụng động cơ tăng áp 1.8L với công suất được nâng lên thành 237 mã lực trong khi trọng lượng giảm 75 kg. Trọng lượng được giảm xuống bằng cách loại bỏ bánh dự phòng, van điều tiết và hàng ghế sau. Ghế trước Recaro nhẹ hơn cũng được trang bị cho TT quattro Sport. Phiên bản này đi kèm sơn hai tông màu, la-zăng 18-inch 15 chấu độc nhất và bộ bodykit từ phiên bản động cơ V6.

Audi TT thế hệ thứ 2

TT thế hệ thứ 2 được hé lộ vào năm 2004 và tạo ra chấn động lớn khi Audi cho biết chiếc xe sẽ được làm bằng nhôm. Thế hệ thứ 2 bắt đầu xuất hiện trên thị trường vào năm 2006 với chiều dài tăng thêm 13 cm và rộng thêm 8 cm so với thế hệ đầu tiên. Tuy thân xe không hoàn toàn bằng nhôm, nhưng Audi đã sử dụng kết hợp các tấm nhôm và thép để có được sự phân bổ trọng lượng gần như chính xác 50-50 giữa trục trước và trục sau. Chiếc xe cũng tích hợp cánh gió sau chủ động để tránh phá vĩnh viễn các đường nét mượt mà của TT. Ngoài động cơ tiêu chuẩn là loại 1.8L tăng áp mới, một động cơ tăng áp 2.0L mới cũng được cung cấp. Bên cạnh đó là động cơ VR6 được chuyển từ thế hệ đầu tiên và thị trường Châu Âu có thêm tùy chọn động cơ diesel.
 
Audi TT thế hệ thứ 2

Năm 2008, phiên bản TTS thể thao hơn được giới thiệu với động cơ 2.0L tinh chỉnh, tạo ra công suất 268 mã lực cùng nhiều nâng cấp khung gầm bao gồm hệ thống treo Audi Magnetic Ride và hệ thống cân bằng điện tử hai giai đoạn. Tuy nhiên, TTS thường bị lãng quên vì Audi ra mắt chiếc TT RS cuốn hút hơn vào năm 2009.

Audi TT RS

TT RS là chiếc xe thể thao cỡ nhỏ đầu tiên có biến thể RS, và hiển nhiên là nó rất vượt trội. Mẫu xe đi kèm động cơ tăng áp 2.0L 5 xi-lanh thẳng hàng mới công suất hơn 330 mã lực. Mô-men xoắn 450 Nm được tạo ra ở dải vòng tua thấp đi kèm hộp số sàn 6 cấp có tỷ số truyền nhỏ và chuyển số ngắn mới. Bên cạnh đó, hệ thống quattro cũng được nâng cấp để thích ứng với công suất lớn hơn. TT RS có khoảng sáng gầm thấp hơn cùng hệ thống giảm chấn từ trường Audi Magnetic Ride tùy chọn. Bản coupe có thể tăng tốc từ 0-100 km/h trong 4,5 giây và 4,7 giây đối với bản roadster. Năm 2010, hộp số tự động 7 cấp DSG được đưa ra thị trường và nó được bán tại Mỹ sau một bản đề ​​nghị có 11.000 chữ ký từ những tín đồ của Audi.
 
Audi TT RS

Năm 2012, TT RS Plus trình làng với công suất nâng lên thành 355 mã lực, đồng thời cũng giảm thời gian tăng tốc từ 0-100 km/h xuống còn 4,3 giây cho phiên bản số sàn, trong khi phiên bản sử dụng hộp số DSG (hiện được đổi tên thành S-tronic) chỉ mất 4,1 giây.

Audi TT thế hệ thứ 3

Thế hệ thứ 3 sẽ là thế hệ cuối cùng của TT, ít nhất là cho đến khi Audi quyết định đưa mẫu xe trở lại dưới dạng một chiếc xe chạy bằng điện hoặc hydro. TT thế hệ thứ 3 ra mắt năm 2014 như một bước phát triển hợp lý của mẫu xe thể thao hiện đã trở thành huyền thoại. Nó thấp hơn, rộng hơn và đi kèm động cơ tăng áp 2.0L 4 xi-lanh cho công suất 228 mã lực và mô-men xoắn 350 Nm ở thị trường Mỹ, trong khi Châu Âu có phiên bản TTS với công suất 300 mã lực và tùy chọn động cơ diesel.
 
Audi TT thế hệ thứ 3
 
Cùng với khung gầm và hệ thống truyền động, nội thất cũng là một bước cải tiến mạnh mẽ với tính năng điều khiển HVAC ở trung tâm các cửa gió điều hòa.

Audi TT RS thế hệ thứ 3

TT trong diện mạo thông dụng không hề chỉ làm ra vẻ là một chiếc xe thể thao hạng nặng. Ở phiên bản RS thế hệ thứ 3, xe được trang bị động cơ tăng áp 2.5L 5 xi-lanh, cho công suất 394 mã lực. Khi kết hợp với hệ dẫn động tất cả các bánh, TT RS sẽ khiến những chiếc xe đắt tiền hơn phải lúng túng với thời gian tăng tốc từ 0-100 km/h chỉ trong 3,6 giây của nó.
 
Audi TT RS thế hệ thứ 3
 
Bộ giảm chấn từ trường thích ứng tiêu chuẩn và khả năng lái nhanh nhạy biến nó trở thành "kẻ hủy diệt" sắc bén. Hệ thống dẫn động bốn bánh hỗ trợ trục sau khi TT RS tăng tốc, đồng thời bộ kẹp phanh 8 pít-tông ở trục trước đảm bảo người lái có thể giảm tốc ở bất kỳ tốc độ nào.

Audi TT Final Edition

"Giống như một ban nhạc rock chưa bao giờ đạt được tiếng tăm toàn cầu nhưng lại có sức ảnh hưởng đến các nhóm nhạc khác, Audi TT đã lặng lẽ thực hiện hành trình trở thành một chiếc xe cực kỳ ổn định và đẹp mắt trong 20 năm qua," đó là những gì có thể mô tả về chiếc TT cuối cùng này.
 
Audi TT Final Edition

Audi TT Final Edition
 
Thật vậy, TT Final Edition là phiên bản tổng hợp của những "bản hit" lớn nhất. Xe sở hữu những chi tiết nhấn nhá tinh tế ở bên ngoài kết hợp bộ la-zăng màu xám Gloss Metal Grey 19-inch được làm cực kỳ tỉ mỉ. Nội thất cũng ấn tượng không kém khi có hệ thống ghế bọc da Napa với chỉ tương phản khâu nổi phần nào gắn kết với ý tưởng ghế ngồi của thế hệ đầu tiên. Đó là những hoài niệm đẹp đẽ đối với một chiếc xe đã gắn bó với chúng ta trong gần một phần tư thế kỷ.

Chia sẻ bài đăng
Văn Hóa Xe