Dù thị trường xe điện toàn cầu đang trên đà tăng trưởng mạnh, phân khúc xe điện hạng sang lại chứng kiến nhiều cú trượt dốc đáng lo ngại, với hàng loạt hãng xe đình đám như Tesla, Porsche, Mercedes-Benz, Audi… phải đối mặt với doanh số sụt giảm, hàng tồn kho hoặc điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
Tính đến hết tháng 5/2025, doanh số Tesla tại Châu Âu đã giảm tới 27,9% so với cùng kỳ năm 2024, đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp sụt giảm. Riêng trong tháng 4, doanh số lao dốc 49%, chỉ đạt 7.261 xe so với 14.228 xe cùng kỳ năm trước - một trong những mức giảm mạnh nhất trong lịch sử hoạt động tại thị trường này.
Tại Trung Quốc, thị trường chiến lược thứ hai, tình hình cũng không khả quan hơn. Theo báo cáo từ Hiệp hội Xe Trung Quốc (CPCA), Tesla đã bán được khoảng 62.000 xe trong tháng 5, giảm hơn 18% so với cùng kỳ. Trong khi đó, đối thủ nội địa như BYD và Xiaomi tiếp tục bứt phá mạnh mẽ - Xiaomi YU7 ghi nhận 300.000 đơn đặt hàng chỉ trong 27 phút sau khi mở bán.
Tổng thể, trong quý 1/2025, Tesla chỉ giao được 386.800 xe toàn cầu, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Đây là quý có kết quả kinh doanh thấp nhất của hãng kể từ năm 2022, buộc ban lãnh đạo phải tiến hành đợt cắt giảm hơn 10% lực lượng lao động toàn cầu để tiết giảm chi phí.
Porsche cũng không tránh khỏi đà giảm. Trong báo cáo tài chính gần nhất, Porsche thừa nhận doanh số xe điện đang giảm 42% trong nửa đầu năm 2025, khiến công ty buộc phải cắt giảm 1.900 lao động tại Đức và điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm nay xuống còn 2 tỷ Euro, thấp hơn 25% so với mục tiêu ban đầu.
Tình cảnh tương tự cũng xảy ra với Mercedes-Benz và Audi, khi nhiều dòng xe điện cao cấp như EQE, EQS, Q8 e-tron hay A6 e-tron bị chê là “đắt đỏ nhưng không nổi bật”, dẫn đến hàng tồn kho tăng. Các mẫu xe này cũng đang mất dần sức hút do không mang lại sự khác biệt rõ rệt so với bản chạy xăng truyền thống, trong khi mức giá lại cao hơn từ 25-40%.
Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân khiến xe điện hạng sang chật vật chủ yếu đến từ: giá thành quá cao, khoảng cách công nghệ không đáng kể và môi trường cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc.
Trung bình mỗi chiếc xe điện cao cấp có giá từ 70.000-150.000 USD, khiến số đông người tiêu dùng không thể tiếp cận. Trong khi đó, xe điện tầm trung hoặc bình dân như của BYD, Xiaomi, Hyundai… có mức giá dễ chịu hơn rất nhiều, chỉ từ 20.000-40.000 USD.
Mặt khác, dù có giá bán cao hơn, nhiều mẫu xe điện hạng sang lại không thực sự vượt trội về hiệu suất, tầm hoạt động hay trải nghiệm so với các bản xăng cao cấp hoặc EV phổ thông giá rẻ.
Bên cạnh đó, các hãng xe điện Trung Quốc như BYD, Nio, XPeng, Xiaomi đang gây áp lực lên phân khúc cao cấp toàn cầu với loạt sản phẩm có thiết kế sang trọng, tính năng hiện đại nhưng giá rẻ bất ngờ.
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong 5 tháng đầu năm 2025, doanh số xe điện toàn cầu đạt khoảng 7,9 triệu xe, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2024. Dự kiến, tổng lượng EV được bán ra trong năm nay có thể vượt 20 triệu xe, chiếm gần 25% thị phần ô tô toàn cầu.
Tuy nhiên, tăng trưởng này lại chủ yếu đến từ phân khúc EV giá rẻ và tầm trung, vốn chiếm hơn 80% tổng doanh số EV. Trong khi đó, nhóm EV cao cấp vẫn chưa thực sự “thoát đáy”. Giới phân tích cho rằng nếu không sớm tái định vị sản phẩm, cân đối lại giá thành và tạo ra đột phá thực sự, phân khúc xe điện hạng sang sẽ tiếp tục đối mặt với một năm đầy rủi ro.