Nhiều khách mua xe nhưng chưa vội xuất hóa đơn vì chờ thông tin ưu đãi lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước.
"Thị trường có lẽ đang chậm nhất từ tháng 3 đến giờ," ông Quang Khải, Giám đốc đại lý Ford Phú Mỹ (TP.HCM), cho biết. "Có khoảng hơn 40% lượng giao dịch tại đại lý là ký chờ, khách chưa vội xuất hóa đơn để ra biển số."
Theo ông Khải, ưu đãi lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước được Chính phủ giao các cơ quan hữu trách nghiên cứu thực thi nhưng đến nay chưa có thông tin chính thức. Nhiều khách mua xe lắp ráp vẫn đang chờ để ra quyết định.
Một đại lý Toyota ở TP.HCM cho biết, khoảng hơn 50% lượng khách mua xe lắp ráp muốn làm hợp đồng đặt cọc chứ nhưng chưa thanh toán toàn bộ giá trị xe. Cũng có nhiều khách không thể chờ thêm vì nhu cầu cần nên mua ngay, hoặc trả cọc để chuyển sang xe khác của Toyota hoặc hãng khác.
Đầu tháng 7, anh Vũ Bình (TP.HCM) tính trả góp chiếc Toyota Vios bản E giá 488 triệu đồng và muốn đợi hết tháng này rồi mới thực hiện. Anh đã đặt cọc để hưởng khuyến mãi khoảng hơn 20 triệu đồng. Bình tính toán rằng khi có ưu đãi lệ phí trước bạ, tiền lăn bánh giảm khoảng 24 triệu đồng. Như vậy, tổng mức lợi kép anh hưởng khoảng gần 50 triệu đồng, kết hợp ưu đãi của đại lý và chính sách của Chính phủ.
Các đại lý cho biết, việc khách không
muốn mua xe ngay khiến thanh khoản của thị trường tháng 7 tiếp tục chậm.
Nửa đầu 2024, doanh số của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam
(VAMA), các hãng nhập khẩu và Hyundai Thành Công đạt 159.265 xe, giảm
nhẹ 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mức sụt giảm 4% của thị trường
nửa năm qua là không nhiều. Nhưng 2023 là năm có doanh số thấp nhất
trong giai đoạn 2019-2023, nên điều này cho thấy thị trường đang gặp
khó. Trong đó, tâm lý trì hoãn mua xe của khách hàng để chờ thông tin ưu
đãi lệ phí trước bạ của Chính phủ tác động không nhỏ đến mức sụt giảm
này.
Thực tế, việc tiêu thụ xe chậm trước mỗi kỳ áp dụng ưu đãi
về lệ phí trước bạ đã diễn ra nhiều năm trước. Tổng trưởng ban kế hoạch
chiến lược của một liên doanh Nhật tại Việt Nam nói rằng, thị trường
giai đoạn này giống như một chiếc lò xo. "Sức mua bị kìm hãm vì tâm lý
chờ đợi ưu đãi từ nhà nước. Sau đó, khi chính sách được thực thi, thị
trường sẽ bật tăng và bù lại mức sụt giảm trước đó," vị này nói.
Tại
công điện ngày 21/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính giục Bộ Tài chính sớm
hoàn thiện, trình Chính phủ chính sách giảm phí trước bạ với ô tô sản
xuất, lắp ráp trong nước trong tháng 7. Nhiệm vụ này từng được Thủ tướng
giao Bộ này hoàn thành từ tháng 5. Ở phương án đưa ra khi đó, Bộ
Tài chính đề nghị Chính phủ cân nhắc không thực hiện chính sách ưu đãi
lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước. Bởi thời gian qua, nhiều cơ
quan yêu cầu Việt Nam giải thích vì cho rằng chính sách này có sự phân
biệt đối xử giữa xe sản xuất, lắp ráp trong nước và nhập khẩu.
Tại
hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định hôm 11/7, Bộ Tài chính vẫn hoàn thiện
chính sách giảm 50% phí trước bạ với xe trong nước theo yêu cầu của cấp
có thẩm quyền. Bộ Tài chính cũng đề nghị Chính phủ giao Bộ Công Thương
rà soát, đưa ra phương án ứng phó trong trường hợp Việt Nam có thể bị
khởi kiện.
Ưu đãi lệ phí trước bạ cho xe sản xuất, lắp ráp trong
nước đã được Chính phủ thực hiện liên tiếp 4 năm qua. Đây được xem là
chiêu kích cầu thị trường, giúp sức mua của người dân tăng lên khi thị
trường gặp khó. Ưu đãi này không làm giảm giá xe mà là giảm chi phí lăn
bánh.
Hầu hết hãng xe và đại lý phân phối đều đang thực hiện nhiều biện pháp để kích cầu trong bối cảnh thanh khoản chậm của thị trường bằng cách giảm giá tiền mặt, hoặc hỗ trợ lệ phí trước bạ 50-100%. Cũng như những lần trước, khi ưu đãi lệ phí trước bạ được triển khai, khuyến mãi của đại lý hoặc hãng nhiều khả năng giảm một phần hay toàn bộ, tùy thuộc vào tình hình thực tế thị trường.
Theo VnExpress