Những cặp kỳ phùng địch thủ trong ngành công nghiệp xe hơi (Phần 1)

Bản chất của ngành công nghiệp ô tô vốn đã mang tính cạnh tranh cao nhưng một số thương hiệu lại có quá trình so găng mãnh liệt hơn nhiều. Thậm chí, người hâm mộ còn có xu hướng đẩy chúng lên cao trào bằng cách đứng về một phía nào đó. Hiển nhiên, người hưởng lợi từ kết quả của sự cạnh tranh là khách hàng vì chúng buộc các công ty phải liên tục thay đổi mình năm này qua năm khác.

Bentley và Rolls-Royce

Rolls-Royce sở hữu Bentley từ năm 1931 đến 1998 vì vậy hai thương hiệu này cạnh tranh với nhau trên cơ sở thân thiện, xe của họ thường sử dụng nhiều bộ phận giống nhau. Bentley bắt đầu đi theo hướng thể thao hơn sau khi Vickers tiếp quản cả hai thương hiệu vào năm 1980 nhưng vẫn không thực sự bùng nổ trên con đường riêng của mình cho đến khi gia nhập Volkswagen vào năm 1998. Rolls-Royce cũng trở thành một phần của đế chế này, dù sau một chuỗi giao dịch phức tạp đưa hãng về tay của BMW.
 
Bentley và Rolls-Royce

22 năm sau cuộc chia tách lộn xộn, hai biểu tượng xe sang của Anh Quốc đã trở thành đối thủ khó chịu của nhau trên một số phân khúc thị trường, bao gồm cả phân khúc SUV siêu sang đang cạnh tranh cực kỳ sôi nổi. Mulsanne của Bentley và Phantom của Rolls-Royce là hai trong những mẫu xe bốn cửa đẳng cấp nhất thế giới nhưng Mulsanne gần đây đã ngừng sản xuất. Đó là động thái khiến Phantom trở thành một chiếc xe đỉnh cao, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

BMW và Mercedes-Benz

BMW và Mercedes-Benz đã dành nhiều thập kỷ để tự định hướng hoạt động kinh doanh của riêng mình. Trong khi BMW tạo ra những chiếc xe gia đình mạnh mẽ, thì Mercedes-Benz lại thể hiện mình ở phân khúc xe sang và nâng tầm hình ảnh bằng cách sản xuất những chiếc limousine khổng lồ cho giới thượng lưu trên khắp thế giới. Kỷ nguyên hòa bình kết thúc vào những năm 1980 khi BMW dần chuyển hướng sang sang trọng và Mercedes-Ben bắt đầu ưa chuộng tính thể thao.
 
BMW và Mercedes-Benz

Mercedes-Benz W123 được giới thiệu vào năm 1975 và BMW 5-Series (E28) năm 1981 thường xuất hiện ở các góc đối diện nhau trong cùng một căn phòng của các tín đồ đam mê ô tô. Những phiên bản kế nhiệm của chúng là mẫu W124 năm 1985 và mẫu E34 năm 1987 liên tiếp canh trạnh khốc liệt ở một số thị trường chính. Sự cạnh tranh ăn miếng trả miếng này tiếp tục diễn ra vào năm 2020 và ranh giới ngăn cách giữa hai công ty đang mập mờ hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, họ biết cách gạt bỏ cái tôi của mình sang một bên khi cần thiết để đạt được mục đích chung. Năm 2019, công ty mẹ Daimler của Mercedes-Benz và BMW đã hợp nhất các chương trình chia sẻ ô tô của họ và công bố kế hoạch hợp tác phát triển công nghệ xe tự lái.

Bugatti và Koenigsegg

Bugatti Veyron phiên bản giới hạn được công nhận là mẫu xe thương mại chạy nhanh nhất thế giới khi đạt tốc độ 430 km/h vào năm 2010. Koenigsegg đã phá vỡ kỷ lục đó vào năm 2017 bằng cách nâng tốc độ của Agera RS lên 447 km/h trên đoạn đường dài 17,7 km khép kín của đường cao tốc Nevada State Route 160. Bugatti không thể để cho sự thách thức này không có lời giải đáp, vì vậy hãng bắt đầu thiết kế một phiên bản vượt trội hơn của Chiron với khả năng dễ dàng nghiền nát kỷ lục mới.
 
Bugatti và Koenigsegg

Bugatti trở thành nhà sản xuất ô tô đầu tiên phá vỡ rào cản 483 km/h với một chiếc xe thương mại sau khi tay đua Andy Wallace đạt 489 km/h trên chiếc Chiron Super Sport 300+ vào năm 2019. Sau đó, hãng này rời khỏi cuộc đua tốc độ tối đa để tập trung vào các dự án khác đang dang dở. Năm 2020, Koenigsegg đã giới thiệu phiên bản nâng cấp của Jesko có tên là Absolut với khả năng đạt tốc độ 531 km/h  theo mô phỏng trên máy tính, nhưng chưa tìm ra nơi để thử nghiệm thực tế. Thật kỳ lạ, Koenigsegg cũng cho biết nhiệm vụ tìm kiếm tốc độ tối đa của hãng đã kết thúc bất kể có giành được vương miện từ Bugatti hay không.

Cadillac và Lincoln

Hai thương hiệu xe hơi cao cấp bậc nhất của Mỹ đã tranh đấu để có được ví tiền của giới thượng lưu và các quan chức chính phủ trong phần lớn thời gian tồn tại của họ. Tuy những mẫu xe Lincoln được dùng để đưa đón các tổng thống Mỹ trong nhiều thập kỷ (John F. Kennedy bị bắn trong chiếc Continental năm 1963) nhưng Nhà Trắng chủ yếu chuyển sang sử dụng Cadillac kể từ khi mẫu Fleetwood chống đạn được đưa đến vào năm 1984.
 
Cadillac và Lincoln

Cả hai nhà sản xuất ô tô đều học được một sự thật rằng việc đưa đón nguyên thủ quốc gia và đoàn tùy tùng của ông ấy không đủ để giữ vững thương hiệu và khiến hình ảnh của họ dần bị mai một trong những năm 1980 và 1990. Ford sau đó thừa nhận đã suýt khai tử Lincoln sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Năm 2020, cả hai thương hiệu đang dần lấy lại danh tiếng của mình bằng cách tạo ra các sản phẩm cho cảm giác như những mẫu xe hơi hạng sang, không giống những chiếc xe rẻ hơn mà họ thường lấy làm nền tảng. Đồng thời, hai hãng cũng đang một lần nữa tạo dựng lại hình ảnh của chính mình thay vì cố gắng sao chép các đối thủ Đức.

Ferrari và Ford

Sự cạnh tranh giữa Ford và Ferrari đã được ghi lại qua những thước phim giải trí mang tên Le Mans '66 vào năm 2019. Tiền đề câu chuyện là khi Ford cố gắng mua Ferrari vào đầu những năm 1960, khi đó là một công ty độc lập, phái đoàn của Ford phải tay trắng trở về Michigan sau khi các cuộc đàm phán bị đình trệ. Các giám đốc điều hành của Ford sau đó đã phát động một chiến dịch không giới hạn để đánh bại và gây trở ngại cho Ferrari ở nơi mà họ chú trọng nhất: trên đường đua. Một vài nỗ lực giành giải ban đầu của Ford đã thất bại nhưng cuối cùng hãng cũng chiếm được vị trí đầu tiên vào năm 1966 với sự giúp đỡ của Carroll Shelby. Ford tiếp tục giành thêm chiến thắng vào các năm 1967, 1968 và 1969.
 
Ferrari và Ford

Năm 2015, Ford bất ngờ khơi lại cuộc chiến khi tung ra GT, một chiếc coupe động cơ đặt giữa lấy cảm hứng từ mẫu xe đua GT40 từng giành chiến thắng tại Le Mans, và công bố kế hoạch tham gia 24 Hours of Le Mans vào năm sau để kỷ niệm chiến thắng đầu tiên của hãng. GT GTE Pro đã suýt đánh bại 488 GTE của Ferrari để giành chiến thắng, dù Porsche 919 Hybrid đã về nhất chung cuộc. Hài lòng với thành quả của mình, Ford quyết định công bố kế hoạch ngừng chương trình đua xe độ bền sau mùa giải 2019.

Ferrari và Lamborghini

Ferruccio Lamborghini (1916-1993), một nhà công nghiệp giàu có đến từ miền bắc nước Ý, đã thành lập hãng xe mang tên mình vào năm 1963 vì quá mệt mỏi với việc phải chi tiền sửa chiếc Ferrari của mình. Lamborghini được coi là kẻ thù không đội trời chung của Ferrari trước cả khi hãng này chế tạo mẫu ô tô đầu tiên. Enzo Ferrari (1898-1988) có thể không thèm quan tâm đến chiếc xe đầu tiên của đối thủ, 350GT, vì những chiếc coupe cao cấp do các công ty nhỏ sản xuất lúc bấy giờ cũng không có giá trị gì mấy, nhưng ông không thể bỏ qua chiếc Miura động cơ đặt giữa xuất hiện năm 1966 với sức ảnh hưởng làm thay đổi phân khúc siêu xe mãi mãi.
 
Ferrari và Lamborghini

Sự đấu đá tiếp tục diễn ra vào năm 2020, tạo ra nhiều hiệu ứng thú vị cho những người tiêu dùng có cơ hội được nghe, được thấy hay được lái những sản phẩm dùng làm "đạn dược" trong cuộc chiến này. Ferrari hiện là thương hiệu độc lập, dù đã là một phần của Fiat trong nhiều thập kỷ, trong khi Lamborghini cũng phát triển mạnh mẽ dưới trướng Volkswagen kể từ năm 1998.

Peugeot và Renault

Hai nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Pháp đã ganh đua với nhau cả ở trong và ngoài nước hơn một thế kỷ. Renault thường xuyên đứng đầu nhưng Peugeot chưa bao giờ bị tụt lại phía sau và dần phát triển quy mô trong những năm 2010 bằng cách mở rộng danh mục thương hiệu, đặc biệt là với việc mua lại Opel/Vauxhall.
 
Peugeot và Renault
 
Năm 2019, Tập đoàn PSA (sở hữu Peugeot) là nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Pháp nhưng Renault là thương hiệu bán chạy nhất. Peugeot 208 kết thúc năm với danh hiệu mẫu xe bán chạy nhất của Pháp với doanh số 87.285 chiếc, Renault Clio xếp thứ ba với 80.079 chiếc. PSA mở rộng thị trường cao cấp hơn với thương hiệu DS, nhưng Dacia cho phép Renault tiếp cận phần "đáy" của thị trường. Việc PSA sắp hợp nhất với FCA có thể tạo thêm một chuẩn mực mới cho cuộc cạnh tranh, đặc biệt là khi liên minh của Renault với Nissan đang có dấu hiệu tan rã.

Tesla và những thương hiệu khác

Rất ít người coi trọng Tesla khi họ giới thiệu chiếc Roadster dựa trên Lotus Elise vào năm 2006. Lịch sử của ngành công nghiệp ô tô tràn ngập những công ty khởi nghiệp không thể chi đủ tiền cho các dự án đầy tham vọng của họ và tất cả đều có lí do để nghĩ rằng Tesla cũng là một trong số đó. Hãng đã trình làng Model S vào năm 2012, đây là mẫu xe đầu tiên được Tesla thiết kế hoàn toàn ngay từ đầu, và khiến các nhà sản xuất ô tô hạng sang bất ngờ.
 
Tesla và những thương hiệu khác

Tesla tận hưởng "sự béo bở" khi độc quyền ở phân khúc xe điện cao cấp trong hầu hết những năm 2010. Taycan, câu trả lời của Porsche cho Model S, vẫn chưa xuất hiện mãi cho đến năm 2019. Cuộc cạnh tranh bắt đầu được châm ngòi và gần như mọi nhà sản xuất ô tô bất kể ở vị trí nào cũng đang bận rộn phát triển ít nhất một mẫu xe điện nhằm vào Tesla. Model Y mới sẽ sớm phải đối mặt với các đối thủ như Audi Q4, Ford Mustang Mach-E, Mercedes-Benz EQA, Nissan Ariya và một số thương hiệu khác nữa.

Alpine A110 và Porsche 718 Cayman

Renault chấm dứt mối bất hòa kéo dài hàng thập kỷ với Porsche khi khai tử thương hiệu Alpine vào năm 1995. Đến năm 2017, cuộc chiến lại được khơi lại khi A110 thế hệ thứ hai ra mắt và nhắm thẳng vào 718 Cayman. Cả hai chiếc coupe đều là những cỗ máy có động cơ đặt giữa nhẹ nhàng và nhanh nhẹn. Điểm đáng chú ý là A110 chỉ có hộp số tự động trong khi 718 Cayman có thể tùy chọn hộp số sàn 6 cấp.
 
Alpine A110 và Porsche 718 Cayman

A110 là một trong những đối thủ khốc liệt nhất mà 718 Cayman từng phải đối đầu và cũng là một đối thủ đáng ngưỡng mộ. Tạp chí Autocar mới đây đã so sánh A110S với 718 Cayman T và chọn A110S là chiếc xe tốt hơn ở mọi mặt, dù các chi tiết trong cabin của Alpine không đẹp như của Porsche.
 
Chevrolet Camaro và Ford Mustang

Ford từng khiến nước Mỹ chấn động khi tung ra chiếc Mustang nguyên bản vào năm 1964. Tuy mục tiêu nó nhắm đến là Corvair nhưng Chevrolet đã nhanh chóng nhận định rằng họ cần phải phát triển một mẫu xe mới để đánh trả. Hãng cho ra mắt Camaro vào cuối năm 1966 và sự cạnh tranh giữa hai thương hiệu này bắt đầu trở nên rầm rộ hơn kể từ đó.
 
Chevrolet Camaro và Ford Mustang

Năm 2020, Mustang và Camaro là những chiếc xe cơ bắp cuối cùng đứng vững. Cả hai đều đang ở thế hệ thứ sáu và là những mẫu xe mang tính biểu tượng, thiết kế dẫn đầu và có sẵn với số lượng biến thể chóng mặt. Khách hàng có thể đặt mua phiên bản coupe hay mui trần, với động cơ tăng áp kép hiệu suất hợp lý hoặc động cơ V8 khổng lồ. Mặc dù được trang bị tiêu chuẩn với hộp số sàn và hệ dẫn động cầu sau, hai mẫu xe này cũng có thể tùy chọn hộp số tự động 10 cấp cơ bản mà Ford và GM cùng phát triển.

Chia sẻ bài đăng
Văn Hóa Xe