Cách mạng xe điện vẫn đang gặp vấn đề về tầm nhìn

Cái nào có trước: xe điện hay trạm sạc? Câu hỏi đó khiến một số chuyên gia và quan chức có nhiệm vụ quản lý hệ thống điện khí hóa giao thông tại các thành phố của Mỹ phải bối rối.

Một số người thể hiện quan điểm rõ ràng như sau:

"Nếu khách hàng không nghĩ đến việc sở hữu một chiếc xe điện vì không có cơ sở hạ tầng, hoặc cơ sở hạ tầng ở chỗ họ không có, thì nhu cầu sẽ không xuất hiện," Laura Pritchard, giám đốc khu vực Chicago của Tesla, chia sẻ. "Do đó, tôi cho rằng chúng ta phải giải quyết phần cơ sở hạ tầng trước tiên để xe điện được chấp nhận, vì trường hợp này cũng giống như tình huống "con gà hoặc quả trứng". Trong một thành phố đông đúc, sẽ rất khó để mọi người chịu thay đổi lối sống nếu không nhìn thấy bất kỳ sự hỗ trợ nào."

Nhưng câu trả lời đó của ông lại đặt ra nhiều câu hỏi khác. Liệu công ty nào sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng trước khi có khách hàng?

"Việc ai có thể và nên sở hữu cũng như vận hành cơ sở hạ tầng này vẫn không thực sự rõ ràng. Không ai có thể đứng lên và nói sẽ đảm nhận việc này. Ngay bây giờ tôi cảm giác như mọi người ai cũng chờ đợi người đi tiên phong, và điều này khiến cho mọi thứ thực sự khó khăn để đi đúng hướng," Carolyn Quazzo, người đứng đầu các hoạt động tại EZ-EV, một công ty thuộc sở hữu của Exelon, cho biết.

Cách mạng xe điện vẫn đang gặp vấn đề về tầm nhìn

Và cơ sở hạ tầng của xe điện khi được lắp đặt sẽ trông như thế nào?

Elizabeth Kocs, giám đốc quan hệ đối tác và chiến lược của tổ chức Sáng kiến Năng lượng UIC, nói: "Chúng tôi đều có thể hình dung được những hạ tầng như nước, cống rãnh, đèn đường, khí đốt, điện hay cáp viễn thông trông như thế nào, bởi chúng chính là một phần trong sự tồn tại của chúng ta và cũng là một phần của cảnh quan hữu hình."

"Vậy hình dạng của trạm sạc xe điện trông như thế nào?" Kocs đã đặt câu hỏi này với quan chức thành phố Chicago tại một diễn đàn do Hiệp hội Xe tự hành Illinois tổ chức. Sau đó, Samantha Bingham, giám đốc chương trình Giao thông Vận tải sạch thuộc Sở Giao thông Vận tải Chicago, đáp lại: "Ngay lúc này tôi dự định sẽ nhận mọi chỉ trích, vì tôi không biết, và tôi làm việc cho thành phố."

Theo Bringham, 70% cư dân Chicago sống trong các chung cư có nhiều hộ gia đình, nhưng hơn 70% xe điện được đăng ký chỉ nằm ở những ngôi nhà chỉ có một gia đình. "Vì vậy, để có một giải pháp đúng đắn, hợp túi tiền với hầu hết người dân Chicago trong việc sạc xe điện, tôi nghĩ rằng chúng ta phải nghiên cứu và thu thập nhiều dữ liệu để hiểu sâu hơn về điều đó."

Ông cũng chia sẻ thêm: "Cơ sở hạ tầng hữu hình không chỉ phát triển trong các thành phố, mà còn phải vượt ra đến các khu vực nông thôn, thậm chí tới ranh giới của các tiểu bang. Nhờ đó những người lái xe biết rằng mình có thể lái những chiếc xe điện băng qua những quãng đường dài. Sự hợp tác giữa các liên bang cũng như sự hợp tác nội bộ tiểu bang đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng các trạm sạc điện trên tất cả các khu vực."

Đó là một vấn đề lớn mà Phòng thí nghiệm quốc gia Argonne National Laboratory cũng đang trăn trở. Ann Schlenker, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Vận tải của Argonne, nghĩ rằng đây vẫn là một vấn đề lớn chưa được giải quyết. "Khi nghĩ xa hơn đến những khu vực ở ngoại thành thì chúng tôi biết phương pháp sạc điện tại nhà là lựa chọn mà mọi người đều yêu thích, tiếp đến là trạm sạc tại nơi làm việc, vì vậy điểm mấu chốt ở đây là các chủ doanh nghiệp có cho nhân viên sạc điện tại công ty hay không. Nhưng nếu chúng ta ở những khu tập trung đông người đi bộ và trạm xe, hay ở trong những tòa nhà cao tầng thì nhu cầu cơ sở hạ tầng cần xây dựng ở đây có thực sự có ý nghĩa?"

Và cứ thế, nhiều câu hỏi khác lại liên tục được đặt ra mà không có hồi kết:

"Ở những khu vực có mật độ dân số cao thì phải cần bao nhiêu trạm sạc để thu hút người dân muốn sở hữu hoặc sử dụng xe điện? Cần bao nhiêu trạm sạc trên mỗi điểm dân cư? Thời gian sạc chỉ định cho mỗi trạm bao nhiêu là đủ? Hay là làm thế nào để biến những ý tưởng thực sự hoạt động?"

Chia sẻ bài đăng
Xe Điện