Các công nghệ phanh ô tô phổ biến hiện nay

Công nghệ phanh ô tô hiện nay đang phát triển ngày càng tiên tiến, hiện đại nhằm đảm bảo tối đa an toàn cho người sử dụng.

Với sự phát triển nhanh chóng của nền công nghiệp sản xuất ô tô, việc trang bị những công nghệ phanh hiện đại là điều rất cần thiết. Cùng AutoVn tìm hiểu công nghệ phanh ô tô nào đang phổ biến hiện nay.

Công nghệ chống bó cứng phanh (ABS)

ABS (Anti-Locking Brake System) là hệ thống giúp hỗ trợ chống bó cứng phanh ô tô. Đây được xem là công nghệ hỗ trợ phanh phổ biến nhất được trang bị trên các dòng xe ô tô hiện đại.

Hệ thống chống bó cứng phanh giúp bánh xe hạn chế tình trạng bị bó cứng, đặc biệt trong điều kiện đường trơn trượt do thời tiết xấu hoặc phanh gấp.

Công nghệ chống bó cứng phanh (ABS)

Hệ thống ABS hoạt động bằng cách điều khiển áp suất dầu. Khi người lái thực hiện nhấn phanh, lượng dầu trong bầu xi-lanh chính sẽ được kiểm soát để thực hiện thao tác nhấp/nhả phanh liên tục hơn 10 lần/giây. Nhờ vào nguyên lý này, quãng đường phanh của xe ngắn hơn, hiệu suất phanh đạt hiệu quả cao, bánh xe không bị trượt lết. Cơ cấu phanh ABS bao gồm:

 - Các cảm biến lắp trên bánh xe: thu thập dữ liệu về vận tốc bánh xe gửi về CPU.

 - Bộ xử lý điện tử CPU: điều khiển, đưa tín hiệu xử lý đến các bộ phận.

 - Thiết bị điều áp: đảm nhiệm thay đổi áp suất trong piston phanh.

Trong trường hợp phanh gấp, nếu CPU nhận thấy một hay nhiều bánh xe có tốc độ quay chậm hơn mức quy định so với các bánh còn lại, ABS sẽ tự động giảm áp suất tác động lên đĩa (quá trình nhả phanh) thông qua bơm và van thủy lực, giúp bánh xe không bị chết cứng và không gây chấn thương cho người lái.

Nếu một trong các bánh quay quá nhanh, hệ thống sẽ thực hiện động tác ấn - nhả thanh kẹp trên phanh đĩa khoảng 15 lần/giây để đảm bảo quá trình hãm, giúp ô tô kiểm soát tốc độ kịp thời.

Hệ thống phân bổ lực phanh điện tử (EBD)

EBD (Electronic Brakeforce Distribution) là hệ thống giúp phân phối lực phanh điện tử tự động mà không cần tài xế kích hoạt, giúp xe dừng một cách cân bằng nhất.

Theo đó, bộ phận ECU tự động tính toán và phân bổ lực phanh xe ô tô dựa trên thông số về tốc độ bánh xe, tải trọng xe, độ bám đường. ECU quyết định tăng lực phanh ở bánh chịu tải lớn và giảm phanh ở bánh ít chịu tải hơn.

Hệ thống phân bổ lực phanh điện tử (EBD)

Khi hệ thống phân bổ lực phanh điện tử EBD kết hợp cùng hệ thống chống bó cứng phanh ABS trên xe ô tô sẽ giúp cho quá trình phanh đạt hiệu quả cao nhất.

Công nghệ hỗ trợ phanh khẩn cấp (BA)

Các nhà sản xuất ô tô thường trang bị kết hợp hệ thống hỗ trợ phanh khẩn cấp BA (Brake Assist) với hệ thống phân bổ lực phanh điện tử EBD.

Hệ thống BA hoạt động dựa trên các cảm biến kiểm soát trạng thái bàn đạp phanh, bộ phận khuếch đại lực phanh bằng khí nén và các van điện được điều khiển bởi máy tính trung tâm.

Khi phát hiện tài xế có hành động phanh gấp, BA hỗ trợ tức thì bằng cách tạo ra một lực phanh lớn hơn của người lái, giúp xe có thể dừng lại an toàn và tự động ngừng kích hoạt ngay khi chân phanh được nhả.

Công nghệ hỗ trợ phanh khẩn cấp (BA)

Tuy nhiên, độ khuếch đại của BA gần như lập tức đẩy lực phanh đạt mức tối đa dẫn đến nguy cơ xe bị rê bánh, trượt lết rất cao. Đó là lý do tại sao BA phải được lắp đặt đồng bộ với hệ thống ABS nhằm chống lết bánh, đảm bảo hiệu quả phanh gấp tối ưu ngay cả trên những bề mặt trơn trượt như đường mưa ướt, đường băng tuyết.

Hệ thống cân bằng điện tử (ESC)

Hệ thống cân bằng điện tử ESC, viết tắt của Electronic Stability Control, được phát triển dựa trên cơ sở của ABS và EBD. Ngoài việc kế thừa các tính năng quan trọng của 2 hệ thống trên, ESC còn có khả năng can thiệp vào bướm ga và hộp số để tăng hoặc giảm công suất động cơ.

Công nghệ này ra đời giúp giảm thiểu các hiện tượng văng đầu/văng đuôi xe, lật xe, hạn chế việc bánh xe bị trượt trên đường trơn, đường sỏi đá. Đặc biệt, khi lái xe đánh lái đột ngột, hệ thống ESC có thể can thiệp để tự động chuyển hướng, lấy lại cân bằng.

Hệ thống cân bằng điện tử (ESC)

Có thể thấy rằng, ESC được tạo ra để đảm bảo sự cân bằng của chiếc xe trong mọi tình huống và tránh khỏi các mối nguy hiểm bằng các cảm biến điện tử như cảm biến bướm ga, cảm biến áp lực phanh, cảm biến góc lái, cảm biến chân ga, giúp các tài xế kiểm soát tay lái tốt hơn. Nhiều tài xế còn coi ESC giống như “lá bùa hộ mệnh” trong hành trình của mình.

Hệ thống chống trượt kiểm soát lực kéo (TCS)

TCS (Traction Control System) là hệ thống chống trượt trên xe ô tô. Tùy theo cách đặt tên của từng hãng sản xuất, hệ thống TCS còn có nhiều tên gọi khác như TRC, ASR hay DSC.

Hệ thống chống trượt kiểm soát lực kéo (TCS)

Hệ thống TCS đảm nhận vai trò làm giảm sự trơn trượt của bánh xe, đồng thời tăng tối đa khả năng bám đường khi phanh ô tô.

Cụ thể, trong trường hợp bánh xe mất ma sát với mặt đường, TCS điều chỉnh phanh ABS giảm tốc các bánh đang bị mất ma sát và giảm công suất tác động lên bánh xe, khắc phục tình trạng trượt bánh và tăng tiếp xúc mặt đường.

Chia sẻ bài đăng
Công Nghệ