Xe điện làm thay đổi hoàn toàn cuộc đua mã lực

Cuộc chiến mã lực và gia tốc đã bước vào một giai đoạn mới, với sự xuất hiện của những chiếc xe chạy điện.

Trong nhiều thập kỷ, các hãng xe cạnh tranh gay gắt để cho ra mắt chiếc xe với động cơ đốt trong có khả năng đạt công suất 1.000 mã lực. Nhưng chỉ trong vài năm qua, nhiều chiếc xe điện dễ dàng vượt qua cột mốc này với giá thành sản xuất còn thấp hơn.

Vào năm 1967, Ford GT40 là chiếc xe nhanh nhất trên thế giới. Nó chính là phiên bản đường phố của chiếc xe tham gia giải đua đường trường Le Mans 24 giờ của đội Ford, trong một nỗ lực lật đổ sự thống trị của Ferrari ở trời Âu. Với động cơ V8 306 mã lực, GT40 có thể tăng tốc từ 0-100 km/h trong hơn 5 giây.

Các hãng luôn cố gắng để mang tới những động cơ mạnh mẽ nhất cho dòng xe cao cấp

Chỉ nửa thế kỷ sau, một chiếc sedan gia đình hạng trung cũng có thể đạt được khả năng tăng tốc như vậy. Nếu tính đến dòng xe hạng sang, SUV và xe thể thao, công suất động cơ trung bình có thể rơi vào 400-600 mã lực. Siêu xe bắt đầu đạt đến cột mốc 1.000 mã lực từ năm 2005 với sự xuất hiện của Bugatti Veyron Super Sport.

Cuộc chơi đã thay đổi

Nhưng giờ đây, cuộc chiến mã lực đã bước vào một giai đoạn mới, với sự xuất hiện của những chiếc xe chạy điện. Nếu như siêu xe chạy xăng phải mất cả thế kỷ để cán mốc này, những chiếc xe điện mới dễ dàng đạt công suất 1.000 mã lực, và thậm chí là 2.000 mã lực.

Lucid Air, một chiếc sedan thuần điện của hãng Lucid Motors có trụ sở tại California, sử dụng 2 môtơ điện cho trục trước và sau, phiên bản cao cấp nhất sản sinh tới 1.080 mã lực, cùng tầm hoạt động lên tới 800 km cho mỗi lần sạc đầy.

Peter Rawlinson, CEO Lucid Motors, người từng là cựu kỹ sư trưởng dự án Model S của Tesla, nói rằng chúng ta sẽ không thể đạt được những con số như vậy với một chiếc xe sử dụng động cơ đốt trong. Ở một động cơ chạy xăng, mã lực và quãng đường hoạt động có xu hướng loại trừ lẫn nhau. Động cơ mạnh thì khó mà tiết kiệm nhiên liệu, và chủ xe sẽ phải đổ xăng liên tục.

"Chúng tôi không bắt đầu với mục tiêu tạo ra một chiếc xe có sức mạnh điên rồ. Nhưng khi bước vào thế giới kỳ lạ của những chiếc xe điện, điều đó sẽ thực sự khiến bạn phải suy nghĩ," ông nói.

Để giúp xe điện hoạt động trong quãng đường dài, các hãng có xu hướng tăng công suất cho bộ pin, và điều này vô hình trung sẽ giúp động cơ điện của xe có một lượng năng lượng lớn để hoạt động, do đó giúp xe tăng tốc tốt hơn. Lucid Air có chỗ cho 5 người và nặng hơn 2 tấn nhưng có thể tăng tốc từ 0-97 km/h trong 2,5 giây.

Rawlinson cho biết động cơ điện hoạt động hiệu quả hơn bất cứ động cơ đốt trong nào. Hầu hết các động cơ xăng chỉ chuyển đổi 20% năng lượng nhiên liệu thành công có ích tới các bánh xe, và phần còn lại bị lãng phí dưới dạng nhiệt. Đối với động cơ điện, tỷ lệ này là khoảng 60%.

"Chiếc sedan gia đình của chúng tôi nhanh hơn hẳn siêu se MC20 của Maserati, điều đó không phải thật kỳ cục sao?" ông nói.

Hệ thống truyền động siêu gọn của Lucid - bao gồm động cơ điện, bộ truyền động và biến tần - có kích thước đút vừa trong một chiếc túi xách. CEO Rawlinson rất thích xách chiếc túi này tới các buổi thuyết trình để nói về công nghệ của Lucid, nhưng ông cho biết thị trường chỉ luôn chú ý đến các con số.

"99% những gì tôi nói là về tính hiệu quả, và chỉ có 1% là về hiệu suất," vị CEO nói. Mặc dù vậy những người đam mê tốc độ thường tập trung vào khả năng tăng tốc ấn tượng của chiếc Lucid Air, khi nó hoàn thành quãng đường drag 400 m chỉ trong 9,9 giây với tốc độ 231 km/h.

Để so sánh, McLaren P1 - vốn được coi là chiếc xe động cơ đốt trong nhanh nhất lịch sử - hoàn thành 400 m trong 9,8 giây. Thêm vào đó, P1 có giá tới 1,2 triệu USD trong khi phiên bản cao cấp nhất của Lucid Air có giá 169.000 USD.

"Có vẻ như tốc độ vẫn là liều thuốc thu hút trí tưởng tượng," Rawlinson nhận định.

Sự xuất hiện của động cơ điện đã dẫn tới những con số "không tưởng" - như chiếc C_Two 1.888 mã lực này của Rimac

Một trong những người nắm bắt được điều đó là Mate Rimac, nhà sáng chế 32 tuổi người Croatia đã thành công trong việc tạo nên một thương hiệu xe điện của riêng mình. Bắt đầu với chiếc Concept One trị giá 1,1 triệu USD vào năm 2011, Rimac Automobili đã trở thành hãng sản xuất siêu xe điện đầu tiên trên thế giới.

Sản phẩm tiếp theo của thương hiệu này sẽ là C_Two, một chiếc hypercar đích thực với công suất 1.888 mã lực và chỉ mất 1,85 giây để đi từ 0-97 km/h. Nếu điều này được xác nhận, C_Two sẽ là chiếc xe sản xuất hàng loạt đầu tiên mất ít hơn 2 giây để đạt tốc độ trên.

Đối với các hãng sản xuất và người mua xe, nỗi ám ảnh về thời gian tăng tốc từ 0-97 km/h sẽ không phản ánh chính xác khả năng của chiếc xe. Chỉ số này chỉ mô tả khả năng tăng tốc trong quãng đường thẳng và ngắn, còn trong thực tế những chiếc xe chạy điện vẫn không thể sánh kịp xe chạy xăng trên đường đua, hoặc ở những khúc rẽ.

Xe điện còn nhiều tiềm năng

Mấu chốt của vấn đề là trọng lượng của tấm pin. Phần lớn xe điện sử dụng một tấm pin phẳng nằm trên sàn xe, và mặc dù nó giữ cho trọng tâm xe ở dưới thấp, nhưng trọng tâm này lại dàn trải trên một diện tích lớn hơn so với động cơ đốt trong. Điều này có nghĩa là chiếc xe điện sẽ khó bám đường hơn ở những khúc rẽ.

Taycan, chiếc xe điện đầu tiên của Porsche, nắm giữ kỷ lục về thời gian hoàn thành một vòng đua Nurburgring trong hạng mục xe điện, nhưng nó vẫn chậm hơn rất nhiều so với những người anh em chạy xăng Panamera Turbo S hay 911 GT2 RS.

Nhưng mặc dù vậy, ngay cả các tượng đài trong làng tốc độ, những người gây dựng cả sự nghiệp dựa trên động cơ đốt trong, cũng cho rằng xe điện chứa đựng nhiều tiềm năng. Nico Rosberg, nhà vô địch F1 năm 2016, là một trong những khách hàng đầu tiên của Rimac C_Two. Tay đua người Đức cũng sở hữu một đội đua xe điện.

Sự phát triển của Rimac khiến nhiều người kinh ngạc. Mate Rimac bắt đầu mọi thứ năm 19 tuổi, khi cố gắng chuyển đổi chiếc BMW M3 đời cũ của mình từ dùng động cơ xăng sang chạy điện. Doanh nhân trẻ cho biết công nghệ điện hóa đang cho phép các nhà sáng chế theo bước Elon Musk, và thách thức ngành công nghiệp ô tô truyền thống,

"Croatia chưa bao giờ có ngành công nghiệp xe hơi. Không có chuỗi cung ứng, không có các kỹ sư. Nó giống như là thành lập một công ty phần mềm ở Uganda vậy," nhà sáng lập Rimac chia sẻ.

Anh vẫn nhớ lại phản ứng của mọi người khi đem chiếc BMW chạy điện của mình tới tham dự các cuộc đua. "Mọi người hỏi: Tại sao anh lại mang chiếc máy giặt này đến đây vậy?" Rimac chia sẻ.

Giờ đây, Mate Rimac là ông chủ của một công ty với 800 nhân viên tại một khu công nghiệp gần thủ đô Zagreb. Tháng 9 vừa qua, Porsche đầu tư thêm tiền và nâng khoản sở hữu trong Rimac lên 15,5%, tuyên bố rằng họ sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với công ty khởi nghiệp của Croatia trong công nghệ pin xe điện.

"Thỏa thuận đó là dấu ấn cho thấy sự chấp nhận đối với chúng tôi," Mate Rimac chia sẻ. Công ty cũng đang phát triển hai mẫu xe điện cho Hyundai.

Rimac thừa nhận chính Elon Musk đã tiên phong việc thay đổi quan niệm người dùng về những chiếc xe điện, rằng chúng chậm chạp và buồn tẻ.

"Yếu tố cảm xúc này vẫn rất quan trọng, và đó là những gì Tesla làm rất tốt. Việc tạo ra một chiếc xe điện không chỉ để cứu hành tinh, mà còn phải tạo ra một sản phẩm hấp dẫn," Mate Rimac nói.

Chia sẻ bài đăng
Xe Điện