Tiêu chuẩn IP57 hay IP67 trên xe máy điện là gì?

Ngày nay chúng ta được nghe các thuật ngữ như “kháng nước”, “chống nước” hay “chống bụi” và để chứng minh cho điều đó thì nhà sản xuất thường đưa ra các tiêu chuẩn như IP57, IP67 hay IP68. Nhưng cụ thể chuẩn IP nghĩa là gì?

Tuổi thọ của một thiết bị điện hoặc điện tử phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết cũng như môi trường nơi nó được sử dụng. Vì vậy thực tiễn cần có một tiêu chuẩn chung cho các sản phẩm điện và điện tử, để xem khả năng chống chịu nước và bụi bẩn của chúng.

Mối đe dọa của bụi bẩn và chất lỏng

Bất kỳ chất lỏng hoặc vật thể rắn nào xâm nhập vào bên trong thiết bị điện đều có thể gây hỏng hóc, hoặc thậm chí khiến thiết bị điện hoàn toàn trở nên vô dụng.

Bụi có khả năng tích tụ bên trong các ổ cắm, cổng và kẽ hở của thiết bị điện tử hay mạch điện. Nếu tích tụ quá mức, bụi có thể hình thành một lớp cách nhiệt, khiến nhiệt độ hoạt động của động cơ điện tăng cao. Còn nếu bụi bẩn chạm đến các bề mặt tiếp xúc gây ra tình trạng dẫn điện kém, khiến các công tắc, rơ le và đầu nối gặp vấn đề.

Trong khi đó độ ẩm và hơi nước chính là kẻ thù truyền kiếp của các thiết bị điện tử, đặc biệt là với các vi mạch mỏng manh. Bên cạnh đó, những sản phẩm phải hoạt động ngoài trời như xe máy điện, tai nghe hay điện thoại di động cần có khả năng chống nước nhất định, dù là trong giông bão lớn hay là mưa phùn nhẹ.

Hơn nữa, đối với những phương tiện như xe máy điện hoặc ô tô điện, vấn đề đặt ra là chúng chắc chắn cần phải được rửa bằng nước, vì vậy sẽ là đối tượng của các máy phun rửa áp lực cao. Vì vậy không chỉ cần hứng chịu mưa gió, những sản phẩm này cũng phải có khả năng chống đỡ áp lực nước trong thời gian nhất định.

Với điều kiện thời tiết tại Việt Nam, việc đáp ứng tiêu chuẩn chống nước IPX7 sẽ giúp xe máy điện vận hành bền bỉ và an toàn cho người sử dụng
 
Việc hoạt động ở môi trường ẩm ướt cũng có khả năng gây tích tụ hơi nước trong các bộ phận bên trong của thiết bị điện. Nếu dòng điện chạy qua những bộ phận này trước khi chất lỏng bay hơi, hiện tượng đoản mạch hoàn toàn có thể xảy ra.

Cuối cùng, việc tiếp xúc với hóa chất, các chất tẩy rửa bề mặt cũng gây ăn mòn và làm hỏng thiết bị điện hay mạch điện. Thiết bị điện nào cũng bao gồm các thành phần có cấu tạo từ đồng, nhôm và bạc, tất cả đều rất nhạy cảm với hóa chất.

Tiêu chuẩn IP là gì?

Rất dễ bị nhầm lẫn với Internet Protocol, IP mà chúng ta đang nói đến là Ingress Protection, tiêu chuẩn do Ủy ban Kỹ thuật điện Quốc tế (IEC) - cơ quan có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ đưa ra để đánh giá khả năng chống bụi và nước của một thiết bị. Tiêu chuẩn này đang ngày càng phổ biến khi các thiết bị điện tử tiêu dùng trở nên di động hơn, với trọng tâm là khả năng hoạt động trơn tru ngay cả ở ngoài trời.

Mã IP sẽ đi cùng với hai chữ số, ví dụ như IP57, IP67 hay IP68. Trong đó, chữ số đầu tiên thể hiện mức độ thiết bị được bảo vệ trước bụi và các vật thể rắn. Chữ số thứ 2 cho biết thiết bị được bảo vệ như thế nào trước chất lỏng, trong đó có nước.

Xếp hạng IP chỉ được chính thức trao cho một sản phẩm sau khi nó trải qua quá trình thử nghiệm đặc biệt bởi một công ty được chứng nhận bởi IEC. Vì vậy, không có nhà sản xuất nào có thể tự dán mác “đạt chuẩn IP” cho sản phẩm của mình.

Chữ số đầu tiên

Chữ số đầu tiên trong mã IP trong khoảng từ 0-6, phản ánh khả năng chống chịu của sản phẩm trước các vật ở thể rắn.

IP0X: Sản phẩm không được bảo vệ khỏi bất cứ tác động vật lý hoặc vật thể nào.

IP1X: Chỉ được bảo vệ khỏi các vật thể lớn hơn 50 mm. Bạn sẽ không thể vô tình đưa bàn tay vào bên trong sản phẩm được, nhưng vẫn có thể đưa ngón tay vào bên trong nếu muốn.

IP2X: Được bảo vệ khỏi mọi vật thể lớn hơn 12,5 mm. Đây là tiêu chuẩn của hầu hết thiết bị điện trong nhà, để bảo vệ người tiêu dùng đặc biệt là trẻ em.

IP3X: Được bảo vệ trước các vật thể lớn hơn 2,5 mm.

IP4X: Được bảo vệ khỏi bất cứ thứ gì lớn hơn 1 mm.

IP5X: Kháng bụi. Bụi vẫn có thể lọt vào bên trong nhưng không làm hỏng sản phẩm.

IP6X: Kín hoàn toàn. Bụi sẽ không thể lọt vào bên trong sản phẩm.

Giải thích các con số trên tiêu chuẩn IP
 
Chữ số thứ hai

Chữ số thứ 2 trong mã IP kéo dài từ 0-9 cùng 2 trường hợp đặc biệt, cho biết sản phẩm có khả năng chống nước như thế nào.

IPX0: Sản phẩm không có được bảo vệ đặc biệt khỏi nước.

IPX1: Có thể chống nước nhỏ giọt theo chiều dọc lên sản phẩm, tức là có thể chịu đựng mưa nhỏ hoặc chống mồ hôi.

IPX2: Chống nước nhỏ giọt ở góc 15 độ hoặc thấp hơn, được thử nghiệm trong điều kiện mưa 3 mm mỗi phút. Mức độ này thường được áp dụng cho tai nghe không dây hoặc đồng hồ thông minh để người dùng có thể sử dụng chúng khi chạy bộ trong trời mưa.

IPX3: Chống nước bắn vào từ góc 60 độ so với chiều thẳng đứng. Có tổng cộng 50 lít nước được phun vào sản phẩm với áp suất từ 50 đến 150 kPa trong thời gian 5 phút. Nếu sản phẩm vẫn chạy tốt tức là vượt qua bài kiểm tra. Hiện trên thị trường có nhiều loại loa di động đáp ứng tiêu chuẩn này.

IPX4: Sản phẩm vẫn có thể hoạt động tốt khi bị nước bắn vào từ mọi phía. Bài kiểm tra sẽ sử dụng vòi nước với lưu lượng giống như ở mức 3.

IPX5: Cũng giống như ở mức 4, thiết bị chống nước cấp 5 có khả năng hứng chịu các tia nước bắn vào từ mọi phía. Điều khác biệt là những tia nước phun ra từ vòi có đường kính 6,3 mm với lưu lượng 12,5 lít mỗi phút.

IPX6: Cũng giống như mức 5, nhưng vòi phun có đường kính lên tới 12,5 mm, và áp lực nước cũng mạnh hơn, với lưu lượng 100 lít mỗi phút.

IPX7: Các thiết bị được xếp hạng IPX7 đều được coi là hoàn toàn chống nước, và có thể hoạt động dưới nước trong thời gian ngắn. Bài kiểm tra dành cho sản phẩm bao gồm việc ngâm nước với độ sâu lên đến 1 m trong khoảng 30 phút.

IPX8: Thiết bị chống nước cấp 8 có thể hoạt động khi ngâm dưới độ sâu hơn 1 m, và nhà sản xuất cần phải nói rõ về độ sâu tối đa mà thiết bị có thể chịu. Nói cách khác, thiết bị hoàn toàn có thể hoạt động ở dưới nước trong thời gian dài.

IPX9K: Đây là một cấp độ riêng lẻ, hiếm khi được sử dụng, xác nhận rằng thiết bị có thể chịu được dòng nước áp lực cực cao cũng như nhiệt độ cao. Bài kiểm tra sẽ sử dụng dòng nước nóng 80 độ C, phun từ khoảng cách 0,1-0,15 m với áp lực 8-10 MPa. Điều đáng chú ý là cấp độ 9K không có nghĩa là thiết bị đều đạt các cấp độ chống nước trước đó. Nếu một thiết bị đạt cấp độ IPX9K, nó có thể chống chịu dòng nước áp lực cao nhưng không có nghĩa là nó có thể hoạt động dưới nước.

Động cơ Bosch trên xe máy điện VinFast đáp ứng tiêu chuẩn chống bụi và nước IP67
 
Từ đó, ghép 2 chữ số lại chúng ta sẽ được tiêu chuẩn chống nước và bụi của một thiết bị. Ví dụ như:

IP57: Thiết bị chống bụi ở mức 5 (bụi lọt vào không ảnh hưởng đến hoạt động) và chống nước ở mức 7 (có thể ngâm nước trong 30 phút).

IP67: Thiết bị kín bụi hoàn toàn và có thể ngâm nước trong 30 phút.

IP68: Thiết bị kín bụi hoàn toàn và có thể ngâm nước liên tục trong thời gian dài.

Các dòng xe máy điện của VinFast đều đáp ứng tiêu chuẩn chống nước IPX7 để phù hợp với điều kiện vận hành tại Việt Nam. Dòng xe Ludo và Impes đạt tiêu chuẩn IP57, bụi sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của động cơ và có thể chạy qua đoạn đường ngập nước 0,5 m trong 30 phút.

Trong khi đó dòng xe Klara S, Feliz và Theon có động cơ đáp ứng tiêu chuẩn IP67, chống bụi tối đa và cũng có thể hoạt động bình thường khi ngập nước 0,5 m trong vòng 30 phút.

Chia sẻ bài đăng
Công Nghệ