Thị trường ô tô vào mùa rộn ràng nhất năm

Ba tháng cuối năm là giai đoạn cao điểm mua xe của người Việt, nhiều hãng giới thiệu xe mới, tung chương trình giảm giá, khuyến mãi quy mô lớn.

Từ tháng 10 đến cuối năm là giai đoạn diễn ra nhiều chương trình kích cầu người dùng từ hãng xe. Đây là tháng thường niên diễn ra Vietnam Motor Show, nơi các hãng ra mắt loạt xe mới nhất, kèm các chính sách ưu đãi lớn trong năm. "Cơn lốc" ưu đãi từ thời điểm này sẽ kéo dài đến cận Tết âm lịch, nhưng tháng 10 thường là thời điểm hút khách bởi nhiều lý do.

Nguồn cung dồi dào, đa dạng lựa chọn

Tháng 10 là thời điểm thị trường ô tô đi vào quỹ đạo, dự báo lượng cung và cầu trở nên cân bằng do vừa kết thúc tháng Ngâu. Các hãng xe trong tháng này có xu hướng tăng lượng xe nhập khẩu và lắp ráp để bình ổn thị trường.

Mazda 2 2020 nhập khẩu từ Thái Lan

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, ô tô nhập khẩu trong tháng 9/2020 ước đạt 12.000 xe, tăng 35,8% so với tháng trước, lượng ô tô sản xuất lắp ráp trong nước cũng tăng lên, tạo ra nguồn cung dồi dào. Vì vậy, đây thường là thời điểm mà các đại lý luôn sẵn xe giao ngay.

Điều này trái ngược với bối cảnh cầu vượt cung trong những tháng cận Tết, khi người dùng không có nhiều tùy chọn phiên bản và màu sắc xe như mong muốn. Ngoài ra, việc nguồn cung tăng mạnh cũng là sức ép khiến các hãng phải giảm giá để giữ thị phần và cạnh tranh với đối thủ.

Các mẫu Mazda CX-5 trên dây chuyền trong nhà máy Thaco tại Chu Lai
 
Tránh cảnh "bia kèm lạc"

Vào các giai đoạn cao điểm cận Tết, người mua xe thường dễ gặp tình trạng "bia kèm lạc", tức phải chi thêm tiền, hoặc đại lý ép người dùng phải mua phụ kiện để nhận xe sớm.

Điều này phát sinh từ tình trạng cầu vượt cung, tâm lý muốn nhận xe sớm của nhiều khách hàng, thường rơi vào những mẫu xe nhập khẩu do yếu tố bị động về nguồn cung. Ngược lại, các mẫu xe lắp ráp trong nước ít xảy ra tình trạng này hơn, do lợi thế sản xuất trong nước và chủ động được nguồn hàng.

Nhiều chương trình ưu đãi

Quý 4 là giai đoạn quyết định doanh số bán xe cả năm, tháng 10 được nhiều hãng xe lựa chọn để tung chương trình ưu đãi lớn nhằm hút người dùng.

Cuộc đua giảm giá này diễn ra ở cả xe nhập khẩu và lắp ráp. BMW X7 do Thaco phân phối giảm tới 1,4 tỷ đồng, cao nhất thị trường hiện nay. Các mẫu xe ăn khách như Mazda3, CX-5, Honda CR-V, Toyota Vios hay Hyundai Tucson... cũng nhận nhiều ưu đãi giảm giá từ nhà phân phối.

Các mẫu xe thế hệ mới trong showroom Mazda
 
Toyota Việt Nam áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ, hoặc quy đổi thành tiền mặt cho khách mua Fortuner và Innova đến hết 31/10. Nissan tặng tiền mặt cho khách mua Navara, tặng phụ kiện cho các dòng xe còn lại. Mitsubishi tung ưu đãi tiền mặt, phụ kiện, bảo hiểm vật chất cho Xpander và Xpander Cross...

Mazda Việt Nam sau khi giảm giá niêm yết toàn bộ các mẫu xe vẫn tiếp tục áp dụng giảm 50% phí trước bạ, tặng kèm phụ kiện chính hãng cũng như các gói bảo hiểm vật chất có giá trị bên cạnh các ưu đãi giảm giá khác tại đại lý (tùy dòng xe và phiên bản). Riêng Mazda CX-8 Deluxe còn được hãng "hào phóng" thêm vào nhiều trang bị giá trị đến 35 triệu đồng mà không thay đổi giá bán.

Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ vẫn còn hiệu lực

Chính sách này hiện vẫn được áp dụng đến hết năm 2020, theo Nghị định 70/2020 của Chính phủ, áp dụng cho các mẫu ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.

Viêt Nam Motor Show

Theo đó, người dùng sẽ hưởng lợi từ lệ phí trước bạ, được giảm từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng, tuỳ mẫu xe. Một số hãng còn áp dụng mức giảm này cho cả xe nhập khẩu. Mazda2 2020 nhập Thái Lan được Thaco áp dụng ưu đãi 50% trước bạ, nhằm xoá khoảng cách với đối thủ lắp ráp trong nước.

Dù Vietnam Motor Show năm nay bị huỷ do Covid-19, nhưng thị trường xe được nhiều hãng kỳ vọng sẽ không giảm nhiệt. Đại diện Thaco, nhà phân phối BMW, Mazda, Kia và Peugeot cho biết, tháng 10 là thời điểm trung hoà về chính sách giá bán tốt, ưu đãi hấp dẫn, đa dạng lựa chọn và người dùng có đủ thời gian để cân nhắc chọn mẫu xe phù hợp với nhu cầu.

Theo VnExpress

Chia sẻ bài đăng
Trong Nước