Bức tranh toàn cảnh về GM: Sự suy thoái của một triều đại

Từng là nhà sản xuất ô tô toàn cầu có doanh số lớn nhất nhì trên thế giới, GM giờ đây gần như hoàn toàn phụ thuộc vào hai thị trường là Bắc Mỹ và Trung Quốc.

GM

Có thể Daimler phát minh ra ô tô, Ford là "tác giả" của dây chuyền lắp ráp xe hơi, nhưng GM mới là tiền thân của mô hình các tập đoàn ô tô hiện đại. Thời kỳ GM được thành lập vào năm 1908, tại Mỹ có tới 253 nhà sản xuất ô tô với đầy đủ đội ngũ doanh nhân và kỹ sư, những người mơ mộng, ganh đua để tìm kiếm vận may với công nghệ dự định sẽ thay đổi thế giới.

Henry Ford được xem là Bill Gates của thời đại đó khi nhanh chóng nắm bắt tiềm năng "dân chủ hóa" xe hơi. Nhưng tầm nhìn của Alfred Sloan (CEO của GM) theo nhiều cách có thể được ví như Steve Jobs - hướng tới những cảm nhận trực giác tạo nên cách thiết kế dựa trên chức năng, khiến ô tô không chỉ đơn thuần là phương tiện di chuyển, mà còn thể hiện khát vọng cuộc sống.

GM không chỉ là tập đoàn tiên phong trong việc triển khai các studio thiết kế ô tô, mà còn dẫn đầu trong công nghệ hộp số tự động và động cơ khởi động bằng điện, đây là hai công nghệ đổi mới giúp việc vận hành ô tô trở nên dễ dàng hơn. Hãng cũng thực hiện các nghiên cứu khoa học cơ bản đóng góp cho sự phát triển của bộ lọc khí thải và túi khí. Thậm chí, GM đã tiến hành các thử nghiệm với xe điện và hệ thống lái tự động trước khi Elon Musk ra đời. Đặc biệt họ còn thiết kế và chế tạo nên chiếc xe duy nhất từng được lái trên mặt trăng.

Trong gần 80 năm, GM đã vẽ nên một bức tranh hoàn hảo về ngành công nghiệp ô tô và gần như trở thành một bức tượng khổng lồ khi lượng sản xuất và sản phẩm bán ra nhiều hơn bất kỳ nhà sản xuất ô tô nào khác trên thế giới. Đồng thời, GM cũng giữ vị trí hàng đầu trong bảng xếp hạng danh sách 500 công ty lớn nhất của Mỹ (Fortune 500) trong hơn ba thập kỷ. CEO GM Charles "Engine Charlie" Wilson vào năm 1953 từng nói rằng ông nghĩ "những gì tốt cho nước Mỹ thì sẽ tốt cho GM". Tuy nhiên, câu nói trích gọn một cách trái ngược "những gì tốt cho GM thì sẽ tốt cho nước Mỹ" lại được nhiều người biết hơn và được coi như là một sự thật hiển nhiên.

Thời kỳ hưng thịnh không còn nữa!

GM bắt đầu rơi vào tình trạng phá sản vào tháng 6/2009, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu như giáng một đòn chí tử vào công ty vốn đã suy yếu sau nhiều năm hoạt động dưới sự lãnh đạo thiếu năng lực. Tuy nhiên, hãng cũng sống sót nhờ việc được "bơm" hàng tỷ USD từ chính phủ. Trong một giai đoạn, ​​khoảng 60% tài sản của GM thuộc sở hữu của những người nộp thuế ở Mỹ. Mặc dù công ty sau đó đã hoàn lại từng xu cho chính phủ nhưng vẫn chưa bao giờ thực sự hồi phục. Một thập kỷ kể từ đó, công ty chế tạo ô tô từng là biểu tượng về tiềm lực, sức mạnh và sự phồn thịnh của chủ nghĩa tư bản Mỹ dần thu hẹp quy mô một cách đáng kinh ngạc.

Năm ngoái GM bán được 7,7 triệu xe trên toàn cầu, ít hơn con số 8,4 triệu xe trong thời gian suy thoái kinh tế năm 2010, và giảm mạnh so với 10 triệu xe được bán trong năm 2016. Hiện tại, GM chỉ là nhà sản xuất ô tô lớn thứ tư thế giới về doanh số, sau Volkswagen, Toyota và liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi. Một phần là vì GM đã mất đi sự đóng góp doanh số của Opel khi bán lại cho PSA vào năm 2017, bên cạnh những vấn đề khác sâu xa hơn.

Doanh thu ròng của GM có chút thay đổi so với một thập kỷ trước - 137,2 tỷ USD so với 135,6 tỷ USD. Công bằng mà nói, cuộc đình công của nghiệp đoàn công nhân ngành ô tô Mỹ - UAW kéo dài năm ngoái ước tính đã khiến công ty thiệt hại 2,6 tỷ USD. Lợi nhuận ròng đã được cải thiện từ 5,6 tỷ USD năm 2010 lên 6,6 tỷ USD hiện nay, nhưng lại không bằng một nửa kết quả của năm 2016. 

Holden

Tiếp tục chuỗi cắt giảm, đóng cửa và xử lý tài sản trong 10 năm qua, GM thông báo sẽ cho ngừng các hoạt động bán hàng, các trung tâm thiết kế và kỹ thuật tại Úc vào năm 2021, đồng thời "khai tử" thương hiệu ô tô huyền thoại một thời là Holden.

Kế toán của GM có thể đưa ra lý do chi tiết về việc tại sao thu hẹp kinh doanh đem lại kết quả tốt hơn: thực tế công ty đã thâm hụt ngân sách khoảng 20 tỷ USD trong 20 năm hoạt động ở Châu Âu. Tuy nhiên, Carlos Tavares của PSA đã tìm cách vận hành doanh nghiệp cho lợi nhuận chỉ trong 1 năm sau khi ông nắm quyền, vậy tự hỏi vấn đề thực sự của GM ở đây là gì?

Trong số 7,7 triệu xe mà GM sản xuất năm ngoái, có gần 84% được bán ở Bắc Mỹ và Trung Quốc. Tuy đã từng là nhà sản xuất ô tô lớn nhất nhì thế giới, GM giờ đây gần như hoàn toàn phụ thuộc vào hai thị trường này. Ngay cả ở quê nhà, GM cũng đang trên đà tuột dốc. Trong năm phát triển nhất 2004, thị phần tại Mỹ của GM là 26% nhưng 15 năm sau, con số này hầu như chưa đạt tới 18%.

Tất nhiên, GM phải tự trách mình là chính, nhưng vẫn rất đáng buồn khi thấy phong thái tự tin cùng tham vọng mãnh liệt đã tạo nên phong cách thiết kế "rocket-age" của Harley Earl, động cơ V8 cỡ nhỏ của Ed Cole, những mẫu xe Corvette của Zora Arkus-Duntov, và hàng ngàn sản phẩm cùng các cải tiến thú vị khác đã thay đổi thời đại ô tô, giờ không còn nữa.

Chia sẻ bài đăng
Văn Hóa Xe