Túi khí trên xe ô tô hoạt động ra sao?

Mặc dù túi khí đã được chứng minh là có thể ngăn ngừa được những thương tích nghiêm trọng và cứu mạng người, nhưng chúng có thể khá nguy hiểm nếu bạn không nắm được cách thức hoạt động của chúng.

Túi khí trên ô tô

Cách thức hoạt động của túi khí

Túi khí được trang bị bộ cảm biến va chạm có vai trò kích hoạt hệ thống bơm nếu xảy ra va chạm trực diện nghiêm trọng, khi chiếc xe vượt quá tốc độ 25 km/h. Hệ thống bơm đốt cháy hỗn hợp hóa học của Natri azide (NaN3) và Kali nitrat (KNO3) để tạo ra một xung khí Nitơ, nhanh chóng làm phồng một chiếc túi nylon mỏng.

Khi túi khí phồng lên, nó sẽ bung ra ngăn không cho mặt và người bạn đập vào vô lăng, bảng điều khiển hoặc bề mặt ở phía trước. Khi đầu hoặc cơ thể của bạn chạm túi khí, nó sẽ làm giảm lực tác động bằng cách xả hơi qua các lỗ ở chân đế.

Túi khí phía người lái đốt cháy và phồng lên trong vòng 20-30 mili giây, hoặc còn nhanh hơn nửa cái chớp mắt của bạn. Túi khí bên hành khách thì mất 30-40 mili giây để kích hoạt.

Túi khí được thiết kế để bung ra khi tốc độ va chạm trên 25 km/h và khi góc giữa tác động và hai bên xe khoảng 30 độ. Điều này có nghĩa là túi khí ở phía trước sẽ không bung khi có tác động từ phía bên hông hoặc xe bị lật.


Túi khí trên ô tô

Túi khí được trang bị ở đâu?

Lần đầu tiên được trang bị trong hốc vô lăng để bảo vệ người lái trong những va chạm trực diện, giờ đây, chúng còn có thể được gắn trên xe để bảo vệ người ngồi trước và hành khách phía sau trong nhiều tình huống, bao gồm cả các va chạm bên hông và lật xe. Một số xe ô tô có tới 9 túi khí, mặc dù trên thực tế không có yêu cầu tối thiểu về số lượng cần có bởi chúng được xếp loại là một hạng mục thiết bị an toàn bổ sung chứ không phải bắt buộc, giống như dây đai an toàn.

- Túi khí phía trước: ban đầu được trang bị ở phía trước xe để bảo vệ người lái khỏi những va chạm về phía trước và được gắn trong vô lăng. Sau đó, túi khí hành khách phía trước đã được giới thiệu và lắp đặt dưới táp lô.
   
- Túi khí đầu gối: áp dụng với những va chạm về phía trước để bảo vệ đầu gối của người ngồi trước khỏi việc đập vào cột lái và táp lô.

- Túi khí bên: áp dụng với va chạm bên hông và trong trường hợp xe bị lật.
   
- Túi khí chân: giúp giảm chấn thương ở bàn chân và bắp chân.
   
- Túi khí rèm: bung xuống từ trần để bảo vệ phần đầu người ngồi trên xe và giữ ở trạng thái phồng.
   
- Túi khí bên thân: bung lên từ phía bên cạnh ghế và giữ ở trạng thái phồng.
   
- Túi khí ở dây đai an toàn: bung từ phía dây đai an toàn qua ngang thân và vai.

Các vấn đề cần lưu ý

- Túi khí được thiết kế để giảm thiểu chấn thương khi xảy ra tai nạn chứ không phải để phòng tránh tai nạn. Có thể xuất hiện các vết thương nhỏ như bầm tím và trầy xước sau khi tiếp xúc với chúng, nhưng như vậy đã giảm thiểu rất nhiều so với việc va chạm mà không có túi khí.
   
- Việc đeo kính thực ra không gây nguy hiểm và tổn thương đến khuôn mặt của người lái nếu họ giữ một khoảng cách nhất định với vô lăng và bảng điều khiển.

- Túi khí được thiết kế cho người ngồi lái xe trong tư thế phù hợp, vì thế, đừng ngồi mà gác chân lên bảng điều khiển, và lưu ý khi lái xe, tránh đặt tay lên trung tâm của vô lăng vì bạn có thể tự đấm mạnh vào mình nếu túi khí bung ra.

Đừng ngồi mà gác chân lên bảng điều khiển

- Túi khí được thiết kế tương thích với thể trạng của người lớn. Trẻ em có nguy cơ gặp chấn thương nghiêm trọng khi túi khí phía trước bung ra, vì thế tránh để trẻ ngồi ở ghế trước cho dù có ghế trẻ em. Kiểm tra xem túi khí trước có ở trạng thái TẮT hay không nếu đang có trẻ nhỏ dưới 13 tuổi hoặc người cao dưới 1.53 m ngồi ở ghế trước.

- Không nên đặt các đồ vật hoặc phụ kiện trong xe có thể ngăn việc bung túi khí hoặc trở thành vật phóng khi chúng bung ra, ví dụ như giá đỡ điện thoại, bìa sách, tranh ảnh, đồng hồ, thảm... Bọc ghế có thể cản trở việc bung túi khí bên ghế.

- Nếu đèn cảnh báo sáng lên, hãy đem xe tới đại lý để kiểm tra bởi có thể túi khí bị lỗi. Đừng cố gắng tự sửa chúng.

- Các loại thanh cản trước lắp thêm thể ảnh hưởng đến hoạt động của túi khí. Chúng chỉ phù hợp khi được chứng nhận là an toàn cho xe bởi hãng sản xuất. Các thanh phụ tùng chỉ có thể trang bị nếu nhà sản xuất có thể chứng minh chúng không tác động tiêu cực tới việc vận hành của hệ thống túi khí.

- Nếu chiếc SUV của bạn được trang bị túi khí rèm, hãy kiểm tra xem nó có cảm biến lật xe hay không.

- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để hiểu cách vận hành và vị trí đặt túi khí.


Chia sẻ bài đăng
Kỹ Thuật