Ford vs Ferrari: Cuộc ganh đua khốc liệt nhất trong lịch sử đua xe

Lịch sử ngành ô tô thế giới không thiếu những câu chuyện ganh đua nổi tiếng, hầu hết đều nảy sinh từ những cái tôi "bướng bỉnh" hay một số ít là sau các thương vụ hợp tác. Tuy nhiên, các mối quan hệ gây tranh cãi lại thường tạo ra những câu chuyện huyền thoại thú vị. Điển hình như chuyện của Henry Ford II, hay còn gọi là Hank the Deuce, trong nỗ lực mua lại Ferrari vào năm 1963 đã làm dấy lên mối hận thù kéo dài gần 1 thập kỷ giữa ông và Enzo Ferrari - người đàn ông bản lĩnh sở hữu thương hiệu ô tô Ý.

Hiện tại, câu chuyện về Ferrari và Ford được Hollywood tái hiện lại trong bộ phim mới mang tên "Ford v. Ferrari" với sự tham gia của diễn viên Matt Damon và Christian Bale, kể lại một thỏa thuận kinh doanh sai lầm cùng phản ứng của một nhà sản xuất ô tô bướng bỉnh, người sẵn sàng chi ra khoảng 25 triệu USD và hàng ngàn giờ kỹ thuật để trả thù cho lòng tự tôn của mình. Đối với Ford, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ phải đánh bại được Ferrari trong cuộc đua xe danh tiếng nhất thế giới 24 Hours of Le Mans, nơi Ferrari đã thống trị trong lịch sử.

Ford vs Ferrari: Cuộc ganh đua khốc liệt nhất trong lịch sử đua xe

Câu chuyện bắt đầu vào đầu những năm 1960. Thói quen mua hàng ở Mỹ đã thay đổi kể từ khi thế hệ Baby Boomer ra đời. Lần đầu tiên trong lịch sử, những thiếu niên lại quan trọng hơn đối với lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ so với cha mẹ của họ. Giới trẻ có rất nhiều thu nhập khả dụng để dùng cho các mặt hàng như xe hơi, quần áo và nhà cửa, không giống như cách chi tiêu tiết kiệm của cha mẹ họ - những người đã sống qua thời kì đại suy thoái và Thế chiến II. Thế hệ trẻ luôn tìm kiếm thứ gì đó độc đáo từ những chiếc xe mới, họ thích những chiếc xe thể thao và quyến rũ với tốc độ cùng hiệu suất cao hơn là sự thoải mái và độ an toàn, và những suy nghĩ đó đều được các giám đốc điều hành tại Ford thấu hiểu.

Năm 1962, Ford buộc phải đưa ra một kế hoạch kinh doanh mới do sự thất bại của các sản phẩm như Edsel cùng sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ như GM hay Chrysler. CEO Henry Ford II lúc đó đang tìm cách để xoay chuyển tình thế trong tuyệt vọng. Các thành viên trong ban điều hành cấp cao đều thuyết phục ông bằng một chiếc xe thể thao.

 Ford vs Ferrari: Cuộc ganh đua khốc liệt nhất trong lịch sử đua xe

Chỉ có một vấn đề là Ford trước giờ không có xe thể thao trong danh mục đầu tư của mình và cũng chưa hề có kế hoạch để phát triển xe thể thao. Hãng đã quyết định rằng cách nhanh nhất lúc ấy là sẽ mua một chiếc để tung ra thị trường. Đó là ý tưởng khiến Ford mua Ferrari, trong những năm đó Ferrari chỉ mới là một công ty xe đua chuyên bán các mẫu xe đua hợp pháp để có thu nhập dùng vào việc khai phá các đường đua.

Mùa xuân năm 1963, sau nhiều tháng đàm phán, thỏa thuận gần như đã đạt được khi Ford quyết định trả 10 triệu USD cho công ty và toàn bộ tài sản của Enzo Ferrari. Một tay đua trước đây cho biết Enzo rất háo hức muốn ký hợp đồng với Ford, vì điều đó sẽ giúp ông giảm bớt gánh nặng trong quá trình điều hành công ty hàng ngày. Nhưng vào giờ phút quyết định, Ferrari đã chùn bước trước một điều khoản trong hợp đồng khi biết Ford sẽ có toàn quyền kiểm soát ngân sách đồng thời có quyền chi phối đội đua Ferrari. Enzo không muốn từ bỏ quyền kiểm soát đội đua xe thể thao của công ty mình. Ông nói với đại diện của Ford rằng ông sẽ không bao giờ bán công ty với những điều khoản đó, ông cũng sẽ không bán nó cho một công ty ngớ ngẩn chế tạo những chiếc xe xấu xí trong một nhà máy tồi tàn. Có tin đồn rằng Enzo còn xúc phạm đến cá nhân Henry Ford II bằng cách nói bóng gió rằng Henry Ford II không bao giờ làm được như ông của mình, Henry Ford thật sự.

Để trêu ngươi Ford, Enzo sau đó đã bán phần lớn cổ phần của Ferrari cho nhà sản xuất ô tô Ý Fiat. Ban lãnh đạo của Ford cho rằng Enzo không bao giờ nghiêm túc về việc bán công ty cho Ford mà chỉ đàm phán với mình để gây áp lực buộc Fiat phải tăng giá. Mưu đồ đã phát huy tác dụng, và Henry II bị tụt lại như một kẻ ngốc mà không có chiếc xe nào.

 Ford vs Ferrari: Cuộc ganh đua khốc liệt nhất trong lịch sử đua xe

Nhằm trả đũa Ferrari, Deuce quyết định tập trung chế tạo một chiếc xe thể thao có thể đánh bại Ferrari ở cuộc đua quan trọng nhất với Enzo - 24 Hours of Le Mans. Đây là lúc những hạt giống của chiếc xe đua GT40 huyền thoại được gieo mầm.

Ban đầu, nhiệm vụ chế tạo chiếc xe với tên mã Ferrari Killer được giao cho nhóm phát triển Advanced Vehicles Group của Ford tại Vương quốc Anh. Họ đã phát triển một chiếc xe sử dụng động cơ được nghiên cứu bởi nhóm thử nghiệm động cơ của Ford đặt tại Dearborn, Michigan. Mặc dù lô GT40 đầu tiên rời khỏi xưởng sản xuất rất nhanh, nhưng chúng cực kỳ không ổn định và không an toàn. Hệ thống phanh cũng hết sức nguy hiểm.

Các kỹ sư của Ford đã tính toán rằng khi một người lái xe đạp phanh ở đoạn đua cuối Mulsanne Straight của Le Man thì các rôtơ phanh trước sẽ nóng lên tới 1.500 độ F trong vài giây, khiến chúng bị hỏng. Điều này sẽ là thảm họa, thậm chí gây chết người đối với bất kỳ tay đua nào cố gắng thi đấu ở vùng Tây Bắc nước Pháp.

Cuối cùng, nhóm phát triển của Ford cũng không thể tìm ra cách làm cho những chiếc xe ổn định trên đường đua, chứ đừng nói là chạy liên tục trong 24 giờ để giành chiến thắng ở Le Mans. Sau thất bại trước Ferrari tại Le Mans trong năm 1964 và 1965, Ford đã chuyển sang hợp tác với nhà thiết kế xe hơi huyền thoại của Los Angeles Carroll Shelby, một trong những tay đua người Mỹ duy nhất từng giành chiến thắng tại Le Mans, để điều hành các dự án xe đua. Shelby (Matt Damon thủ vai trong phim) đóng vai trò là một nhà tư vấn cho dự án, nhưng lúc ấy ông là người chịu trách nhiệm cho sự thành công hay thất bại của nó.

 Ford vs Ferrari: Cuộc ganh đua khốc liệt nhất trong lịch sử đua xe

Sau một khởi đầu đầy thách thức, Shelby và bạn thân của mình, người lái xe thử nghiệm và chuyên gia kỹ thuật Ken Miles (Christian Bale đóng) đã cải tiến lại GT40 bằng cách hợp tác với Advanced Vehicle Group và nhóm thử nghiệm động cơ của Ford thay vì bắt đầu lại từ đầu.

Shelby và Miles trước tiên đã cải thiện khả năng xử lý và tính ổn định của chiếc xe bằng cách nâng cấp tính khí động học của nó thông qua thử nghiệm dòng chảy. Họ dán các bộ chùm len ra bên ngoài xe để xem không khí di chuyển phía trên và xung quanh xe như thế nào. Một chiếc xe càng cắt không khí bao nhiêu thì càng cần ít năng lượng để chạy xe bấy nhiêu, điều này cũng dẫn đến mức tiêu thụ nhiên liệu ít hơn. Nếu sợi len nằm phẳng thì mọi thứ đều tốt, còn ngược lại nó chỉ ra những sai sót trong thiết kế của chiếc xe ảnh hưởng xấu đến lực bám và tính ổn định của chiếc xe. Các dữ liệu thu thập sau thử nghiệm giúp Miles và Shelby thực hiện các tinh chỉnh ở thân xe và hệ thống treo qua đó giúp GT40 ổn định hơn và linh hoạt hơn trên đường đua.

Vấn đề phanh cũng được giải quyết bởi Phil Remington, một kỹ sư của Ford. Ông đã nghĩ ra một hệ thống phanh thay đổi nhanh cho phép thợ máy trao đổi các miếng đệm và cánh quạt mới trong quá trình thay đổi người lái, vì vậy họ không phải lo lắng về việc phanh vượt quá khả năng của chúng trong toàn bộ cuộc đua.

Để giải quyết các vấn đề về độ an toàn, nhóm nghiên cứu đã sử dụng một lực kế sau đó đặt một động cơ lên - thực nghiệm này được biết đến như một cuộc cách mạng vào giữa những năm thập niên 60. Máy đo lực kế là một thiết bị có thể đo lực, công suất và tốc độ, do đó họ có thể biết được mình cần bao nhiêu năng lượng hoặc có bao nhiêu trong tay. Nhóm thử nghiệm đã quay video về các buổi luyện tập trước Le Mans và lập trình một lực kế để tái tạo lại các điểm căng thẳng khác nhau trên đường đua. Sau đó cho động cơ chạy liên tục từ 24 đến 48 giờ trên máy đo lực kế với hầu hết các điều kiện mà động cơ sẽ phải đối mặt trong cuộc đua để nó không bị hư hại trước khi chạm vạch đích.

 Ford vs Ferrari: Cuộc ganh đua khốc liệt nhất trong lịch sử đua xe

Tất cả những nỗ lực của họ đều được đền đáp, và GT40 Mk. II ra đời. Ford không những đánh Ferrari tại Le Mans vào năm 1966 mà còn làm bẽ mặt các chú ngựa Ý. Trong khi Ferrari thậm chí không có một chiếc xe nào hoàn thành cuộc đua thì GT40 Mk. II chiếm được các vị trí cao nhất trong cuộc đua, vị trí thứ nhất, thứ hai và thứ ba đầy kịch tính.

Một kết quả không ai có thể tranh cãi. Cuối cuộc đua, Miles đã vượt lên trước đối thủ và chấm dứt sự thống trị của Ferrari tại Le Mans, đồng thời trở thành tay đua duy nhất chiến thắng 3 cuộc đua sức bền lớn nhất thế giới - 24 hours of Daytona, 12 Hours of Sebring và 24 Hours of Le Mans - trong cùng năm.

Chuyên gia PR của Ford - Leo Beebe muốn ăn mừng chiến thắng với hình ảnh bộ ba băng qua vạch đích cùng nhau. Vì vậy, anh ta đã yêu cầu Miles chậm lại và để các chiếc GT40 khác bắt kịp. Sau khi vượt qua vạch đích, Miles được thông báo rằng ông không chiến thắng cuộc đua mà thay vào đó là đồng đội của ông Bruce McLaren do Miles cố tình giảm tốc độ.

Đáng tiếc là Miles đã chết trước khi ông có thể đua ở Le Mans một lần nữa. Cuối năm 1966, trong lúc thử nghiệm một chiếc xe đua khác của Ford tại đường đua quốc tế Riverside ở California thì ông bị mất kiểm soát và gặp sự cố. Miles đã không sống sót sau vụ tai nạn đó.

Dù vậy, Deuce cũng tận hưởng được hương vị ngọt ngào của lần báo thù thứ hai vào một năm sau tại Le Mans, chiếc GT40 Mk. IV được phát triển bởi Shelby (mất năm 2012 ở tuổi 89) đã giành chiến thắng trong cuộc đua năm 1967 trong khi Ferrari về thứ hai.

Đối với Ford GT40, nó vẫn là một trong những chiếc siêu xe đáng sưu tập nhất trên thế giới cho đến nay. Ford GT 2020 có giá khởi điểm ở mức 500.000 USD trong khi mẫu xe chỉ dành cho đường đua Ford GT Mk. II được bán với giá 1,2 triệu USD. Đây là chiếc xe đầu tiên từ một nhà máy của Ford có giá hơn 1 triệu USD. Trả thù, nhưng dường như, vẫn phải trả tiền!


Chia sẻ bài đăng
Văn Hóa Xe