Công nghệ xe tự lái: Audi và sứ mệnh tiên phong

Tại Frankfurt Motor Show 2017, thế giới đã chứng kiến sự xuất hiện của một chiếc xe ý tưởng thể hiện tầm nhìn tương lai về một khái niệm hiếm có: di chuyển bằng phương tiện tự lái hoàn toàn không những an toàn, hiệu quả, tiện lợi mà thậm chí còn vô cùng cuốn hút.

Đó là chiếc xe mà cả thiết kế nội lẫn ngoại thất đều đậm chất tương lai với khoang hành khách dài, mui xe thấp, thiết kế mượt mà, không có vô lăng và cũng không có ghế cho tài xế. Hành khách có thể chỉnh màu cho cửa sổ, xoay ghế 360 độ để trò chuyện hay xem phim ở nhiều màn hình xung quanh giống như đang ngồi ở ghế hạng thương gia. Đầu xe là hệ thống đèn ma trận gồm 600 đèn LED riêng lẻ không chỉ cho khả năng chiếu sáng ấn tượng mà còn thay đổi cả bộ mặt của chiếc xe. Trong khi đó, bốn động cơ điện cùng trí tuệ nhân tạo của nó có thể tự động thích ứng với mọi điều kiện lái xe mà không cần đến sự kiểm soát của người điều khiển.

Audi Aicon

Mẫu concept đang được nói đến chính là Audi Aicon, một chiếc grand tourer tự động hoàn toàn chạy điện - ra mắt chính thức trong năm 2018. Tiếp theo đó, một mẫu xe ý tưởng hướng tới tương lai khác của Audi mang tên AI:ME cũng thể hiện nhiều triết lý và tầm nhìn tiên tiến tương tự nhưng trên quy mô nhỏ hơn - một chiếc xe điện cỡ nhỏ nhắm vào các siêu đô thị trên thế giới trong đó có Thượng Hải, nơi AI:ME được trình làng vào tháng 4/2019 vừa qua. Cả hai đều là bằng chứng cho thấy một chiếc xe tự lái hoàn toàn có thể phức tạp và sang trọng như bất kỳ một chiếc xe hạng sang nào khác, nếu không muốn nói là còn tối tân hơn nhiều.

Aicon và AI:ME là những mẫu concept mới nhất của Audi về một ý tưởng đã chiếm giữ trí tưởng tượng của nhiều nhà sản xuất ô tô và các kỹ sư của họ trong gần một thế kỷ: một chiếc xe tự lái hoàn toàn cấp độ 5: không có bàn đạp, không có vô lăng, không có sự kiểm soát từ bất cứ điều gì và không có người lái.

Audi AI:ME

Buổi trình diễn của Audi ở Frankfurt năm 2017 không chỉ diễn ra trong một đêm, đó là đỉnh cao của nhiều thập kỷ nghiên cứu về công nghệ đằng sau những chiếc xe tự lái. Ví dụ, Audi và Volkswagen đã đạt được một cột mốc quan trọng trong năm 2005 khi hợp tác với Đại học Stanford để giành chiến thắng tại DARPA Grand Challenge - cuộc thi dành cho các phương tiện tự lái ở Mỹ, với chiếc SUV mang tên Stanley tự lái qua những con đường mòn gập ghềnh dài 212 km trên sa mạc California. 5 năm sau, một chiếc Audi TT S có tên Shelley đã trở thành chiếc xe đầu tiên tự điều khiển lên tới đỉnh núi Pikes Peak cao 4.300 m tại Colorado.

Những minh chứng cụ thể về khái niệm tương lai đã thu hút sự chú ý lớn và tạo lập nên những nền tảng mới trong công nghệ ô tô. Chưa hết, việc hiện thực những đột phá đó sang các ứng dụng sử dụng trong thế giới thực như hệ thống tự lái trong điều kiện giao thông ùn tắc Traffic Jam Pilot được Hiệp hội kỹ sư ô tô đánh giá là cấp độ 3 thì còn khó hơn nhiều.

Thêm vào đó, bất kỳ sự gián đoạn công nghệ nào cũng tạo ra một giai đoạn hoang mang. Dự đoán tương lai là một việc khó khăn, nhất là khi ở trong một thế giới thực lộn xộn và không hoàn hảo. Một số nỗ lực đến từ các đơn vị liên minh ví dụ như Partners for Automated Vehicle Education (PAVE) trong đó Audi là thành viên sáng lập, có các chuyên gia hàng đầu trong ngành làm việc để cho "mọi người biết về phương tiện tự lái và những tiềm năng của chúng". Chưa hết, nhà báo nổi tiếng Malcolm Gladwell từng chia sẻ ngắn gọn trên Car and Driver rằng: "Cuộc cách mạng xe tự lái đang bắt đầu, và hiện chúng ta đang ở giai đoạn vô định". Thách thức phía trước là làm thế nào để đối phó với sự bất an đi kèm với những điều gì đó còn chưa biết.

Đối với các nhà sản xuất ô tô như Audi, ba lĩnh vực trọng tâm chính được ưu tiên khi nói đến xe tự lái là an toàn, tiện lợi và tin cậy. Cả ba điều đó và lời hứa về một chiếc xe tự lái mang lại khả năng di chuyển trên diện rộng, tăng tính cá nhân hóa và cải thiện độ an toàn không còn chỉ là tầm nhìn của tương lai. Nó có thể là một trò chơi thực tế và thay đổi toàn bộ cục diện ở đó.

Traffic Jam Pilot

Một trong những hứa hẹn rõ ràng nhất về xe tự lái là lỗi của con người sẽ được loại bỏ khỏi quá trình lái. Scott Keogh, CEO Volkswagen Mỹ, cho biết: "Dựa trên các nghiên cứu thì gần như 95% các vụ tai nạn đều do những lỗi mất tập trung của người lái, và những lỗi này không cần phải có."

Theo tính toán của Cục Quản lý An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NHTSA), việc tài xế không tập trung, mệt mỏi hoặc lái xe khi sử dụng chất kích thích đã gây ra 94% các vụ tai nạn giao thông, với hơn 37.000 trường hợp tử vong mỗi năm.

Công nghệ tự lái cấp độ 3 như hỗ trợ giữ làn, hỗ trợ rẽ và kiểm soát hành trình thích ứng từng được coi là những thứ xa xôi trong tương lai, nhưng bây giờ các hệ thống này là minh chứng rõ ràng nhất về những tiện ích an toàn của ô tô tự lái. 10 năm trước, Viện Bảo hiểm An toàn đường bộ Mỹ (IIHS) từng thống kê rằng hệ thống cảnh báo va chạm trước giúp giảm 7% tai nạn, con số này của hệ thống phanh tự động là từ 14 đến 15%.

Thomas Mueller, người đứng đầu bộ phận Automated Driving của Audi AG, chia sẻ: "Một trong những khía cạnh quan trọng của một nhà phát triển hàng đầu như Audi là có các sản phẩm an toàn, và chúng tôi tập trung phát triển qua từng thế hệ để mang lại nhiều tính năng hơn. Để đảm bảo an toàn, ngay từ đầu đã có một túi khí ở khoang lái, phanh ABS hay kiểm soát hành trình ổn định, và giờ đây, trong tương lai sẽ là sự kết hợp của nhiều hệ thống khác nhau."

Hiện hệ thống hỗ trợ giữ làn đường chủ động của Audi theo dõi các đường đứt nét trên đường với cảm biến và camera để duy trì làn đường và cảnh báo người lái trong trường hợp đi chệch khỏi làn. Hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng có thể giữ khoảng cách với các xe xung quanh, giảm tốc độ khi giao thông ùn tắc và tăng tốc khi trở lại phạm vi đường cao tốc. Hệ thống phanh tự động của Audi sẽ cảnh báo người lái về những chướng ngại vật phía trước như các phương tiện dừng đột ngột, hay phát hiện người đi bộ và đi xe đạp. Khi những cảnh báo của hệ thống như tiếng bíp và đèn flash bị phớt lờ thì chiếc xe có khả năng tự dừng lại vào phút cuối.

Mueller cho biết: "An toàn là yếu tố trên hết. Tự động hóa và các chức năng khác nhau mà chúng tôi đã ứng dụng trong những chiếc xe của chúng tôi cho đến nay đã thực sự hoạt động để giảm số vụ tai nạn cho khách hàng và cho cả người đi bộ cùng những người xung quanh xe."

Audi Traffic Light Information

Một số hình thức lái tự động đã xuất hiện bên cạnh chúng ta kể từ khi ô tô được trang bị máy tính: ví dụ như hệ thống phanh ABS, các kỹ sư Audi chỉ ra rằng đây là một hình thức tự động hóa khi một bộ điều khiển điện tử sẽ cho biết thời điểm nào cần can thiệp dựa trên các cảm biến có thể phát hiện trượt bánh; hoặc là những hệ thống khác như máy phun nhiên liệu điện tử hay radio vệ tinh.

Bây giờ, cùng với sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo, có rất nhiều lý thuyết điên cuồng về cách xe tự lái có thể thay đổi không chỉ cách chúng ta di chuyển, mà còn là kết cấu thiết yếu của cuộc sống đô thị. Phòng thí nghiệm SENSEable City của MIT đã phát hiện ra bằng cách kết hợp các phương tiện hoàn toàn tự lái vào các chương trình đi chung xe sẽ giúp giảm 80% số lượng phương tiện trên đường.

Hơn nữa, họ còn hình dung một mạng lưới các tín hiệu giao thông đúng lúc các phương tiện tự lái tiếp cận, cho mỗi chiếc xe một khoảng thời gian để vượt qua và loại bỏ ùn tắc giao thông. Sự khởi đầu của công nghệ V2I này đã được áp dụng trong hệ thống nhận diện đèn giao thông Audi Traffic Light Information với tính năng tối ưu tốc độ để gặp đèn xanh. Đáng chú ý là hệ thống có thể đề xuất cho người lái xe các giới hạn tốc độ để tối đa hóa khả năng gặp được một dãy đèn xanh.

Những lợi ích của các hệ thống như vậy còn mở rộng ra bên ngoài chứ không chỉ người trong xe. Đến năm 2030, khoảng 25% số km di chuyển trên khắp nước Mỹ có thể được chia sẻ với xe điện tự lái (theo dự đoán của BCG), qua đó chuyển đổi các bức tranh của cuộc sống đô thị. Đổi lại, một số trong khoảng 530 km2 không gian ở Mỹ hiện đang dành riêng cho bãi đậu xe thay vào đó có thể được sử dụng cho những lĩnh vực sáng tạo hoặc nhà ở. Bất kỳ nhà sản xuất ô tô nào đầu tư vào hệ thống tự động cũng nghiên cứu phát triển xe điện, và việc tăng các trạm sạc và giảm bảo trì xe điện cũng có thể làm thay đổi cảnh quan đô thị. Nhiều chuyên gia tin rằng xe tự lái có thể tạo ra ảnh hưởng lớn đến cách sống của chúng ta như chính chiếc xe đã làm.

Không cần đến người lái xe, những trải nghiệm di chuyển chung có thể được cá nhân hóa hoàn toàn. Matt Carpenter, CEO Silvercar, một công ty con về giải pháp di động của Audi, cho biết: "Tầm nhìn về tương lai của Audi là tạo một trung tâm vận chuyển tự nhiên tại các địa điểm như sân bay, trung tâm thành phố, đồng thời đưa các đại lý của chúng tôi trải rộng trên toàn quốc và tận dụng tất cả các địa điểm đó bằng một đội xe Audi được kết nối với nhau để mọi người có thể sử dụng bất cứ khi nào họ muốn."

Carpenter vẽ bức tranh như sau: "Một ví dụ đơn giản là một người lái một chiếc Audi đi làm hàng ngày. Chiếc Audi đó biết họ là ai, biết họ thích nhiệt độ như thế nào, hiểu vị trí của các lựa chọn trên radio vệ tinh của họ, và thậm chí là cả vị trí chính xác của họ trong gương. Khi đi công tác, chỉ cần quét vào một chiếc Audi đặt tại sân bay và chiếc Audi đó sẽ tự động nhận biết những thông số tương tự về khách hàng đó."

Những người được hưởng sự tiện lợi như vậy không chỉ giới hạn ở những khách hàng muốn tận dụng thời gian làm việc khác trong khi chiếc xe tự lái chở họ đi khắp nơi. Theo nghiên cứu của Bộ Giao thông Vận tải Mỹ, các phương tiện tự hành cũng sẽ phục vụ 25,5 triệu người khuyết tật ở nước này, và tất nhiên công nghệ tự động sẽ giúp họ có thể làm mới cuộc sống của mình một cách hiệu quả.

Công nghệ xe tự lái: Audi và sứ mệnh tiên phong

Hiển nhiên, không có công nghệ nào có ý nghĩa gì nếu không có niềm tin vào những người đang triển khai nó. Scott Keogh, CEO Volkswagen Mỹ, nói: "Đối với Audi, chúng tôi đã dành 100 năm để xây dựng những sản phẩm an toàn nhất về cách chúng gặp sự cố, cách chúng hành xử và cách chúng bảo vệ con người, bây giờ là một cơ hội để đặt niềm tin đó vào nơi người lái xe ngồi."

Trong năm 2015, Audi đã ra mắt mẫu xe A7 ý tưởng với một hệ thống được gọi là Piloted Driving: hệ thống này có thể tự lái xe ở tốc độ thấp, dưới 60km/h và được kích hoạt bằng cách ấn nút. Hai năm sau, chiếc A8 của hãng trình làng với hệ thống hoàn chỉnh hơn. Giống như cách các phi công của các hãng hàng không có thể chuyển sang chế độ lái tự động, Traffic Jam Pilot của Audi "chăm sóc" những khoảnh khắc khó chịu nhất trong giao thông, giúp tài xế thư giản và ít chửi thề với những người cùng tham gia giao thông. Chỉ cần nhấn nút trên bảng điều khiển và chiếc xe sẽ đảm nhận quyền kiểm soát các khoảng thời gian nhàm chán. Nó chưa bao giờ thân thiện với người dùng hơn thế.

Keogh nói: "Giống như lúc bạn tin tưởng các kỹ sư của chúng tôi trong việc lắp ráp các "tế bào" an toàn của chiếc xe để được bảo vệ nếu gặp sự cố thì bây giờ cũng cần một lượng niềm tin như thế được đưa vào rằng chiếc xe này sẽ giữ khoảng cách, chiếc xe này sẽ đánh lái tốt, chiếc xe này sẽ tự lái một cách tự chủ."

Thực hiện từ từ và ổn định không chỉ là cách để làm cho công nghệ tự hành hoạt động, mà còn mang lại sự yên tâm trong cả tiến trình. Chúng ta càng quen với mức độ tự động hóa này trong những chiếc xe hiện đại hôm nay, chúng ta càng có thể mơ mộng về tương lai và tất cả ý nghĩa của chúng.

Nhìn thoáng qua, dường như có rất nhiều khoảng cách giữa những chiếc xe chúng ta lái bây giờ với những mẫu xe ý tưởng như Aicon, một chiếc xe rất tự tin vào công nghệ tự lái đến nỗi thiếu vô lăng và bàn đạp. Nhưng tương lai với những điều kì lạ này sẽ đến sớm hơn chúng ta nghĩ. Thách thức thuộc về các nhà sản xuất ô tô như Audi trong việc truyền đạt những công nghệ tân tiến này một cách hiệu quả đến người tiêu dùng, đồng thời cho họ thấy mức độ thú vị của chúng.

Chia sẻ bài đăng
Văn Hóa Xe