Câu chuyện về Lamborghini: Sự trở lại của những "siêu bò" tốc độ

Trong lịch sử hơn 55 năm hình thành và phát triển, Lamborghini đã thiết kế và cho ra đời những chiếc xe thú vị khơi dậy tất cả các giác quan của chúng ta. Ngoại hình hầm hố, âm thanh động cơ cực kỳ ấn tượng cùng hiệu suất đáng kinh ngạc là những dấu hiệu đặc trưng của "những chú bò đực" đang tung hoành khắp thế giới đến từ Sant'Agata. Lamborghini đã chế tạo ra những chiếc siêu xe hiện đại mang tính biểu tượng đồng thời sỡ hữu cái tên dễ nhận biết nhất trong ngành công nghiệp ô tô, nhưng chắc hẳn chẳng mấy ai biết được hành trình dài để trở thành "huyền thoại" mà thương hiệu này đã trải qua.

Câu chuyện về Lamborghini: Sự trở lại của những "siêu bò" tốc độ

Phần 2: Sự trở lại của những "siêu bò" tốc độ (1981 - hiện tại)

Vào đầu những năm 1980, Lamborghini là một nhà sản xuất ô tô được biết đến với những chiếc siêu xe mang tính biểu tượng như Miura hay Countach, đang trên đà phát triển thì những khó khăn tài chính lại kéo công ty Ý rơi vào tình trạng khủng hoảng và bị kiểm soát.

Mãi tới khi hai anh em người Thụy Sĩ Jean-Claude và Patrick Mimran đến tiếp quản và thực hiện tái thiết công ty. Hai doanh nhân trẻ giàu có và đam mê xe cộ này sở hữu một công ty đường độc quyền ở Senegal, do vậy họ có đủ khả năng để cung cấp kinh phí cần thiết cho việc bắt đầu lại những thứ còn dang dở tại nhà máy Sant'Agata.

Quá trình tái cấu trúc bắt đầu vào năm 1981 khi những người chủ mới mời Giulio Alfieri - một kỹ sư giàu kinh nghiệm nổi tiếng từ vai trò to lớn của ông trong việc phát triển xe thể thao cho Maserati, và tạo ra một kế hoạch mới để mở rộng phạm vi sản phẩm cho Lamborghini.

Geneva Motor Show 1981 là dấu hiệu của việc khởi động lại Nuovo Automobili Lamborghini SpA, công ty tiết lộ hai mẫu xe mới cùng với Countach LP400 S và nguyên mẫu độc bản Miura SVJ Spider. Hai mẫu xe mới đầu tiên là chiếc LM001 được phát triển từ mẫu xe quân sự Cheetah trước đó và chiếc thứ hai là Jalpa P350 đã sẵn sàng để sản xuất.

Jalpa P350

Jalpa P350 được người hâm mộ chào đón nồng nhiệt, là phiên bản được thiết kế lại từ chiếc Silhouette, vẫn giữ kiểu dáng targa với động cơ 3.5L V8 đặt giữa có công suất 255 mã lực. Xe có thời gian tăng tốc từ 0-100 km/h trong 6 giây và đạt tốc độ tối đa 234 km/h.

Từ năm 1982 đến 1988, có tổng cộng 410 chiếc Jalpa được sản xuất, nhiều hơn tất cả những chiếc Lamborghini V8 trước đây nhưng vẫn chưa đạt đến tiềm lực thị trường của mình chủ yếu do sự cạnh tranh gay gắt đến từ Ferrari và Porsche.

Các khoản đầu tư của anh em nhà Mimran cộng với chuyên môn kỹ thuật của Alfieri giúp Lamborghini phát triển chiếc Countach LP500 S có động cơ 4.8L lớn hơn với công suất 370 mã lực. Dù không có những thay đổi đáng chú ý ở ngoại thất nhưng Countach LP500 S lại vượt qua người tiền nhiệm với 321 chiếc được sản xuất từ ​​năm 1982 đến 1985, đa số nhờ vào việc được phân phối tại thị trường Mỹ.

Bước ngoặt lớn tiếp theo đến vào năm 1985 với mẫu Countach LP5000 Quattrovalvole - một màn đáp trả của Lamborghini dành cho đối thủ Ferrari Testarossa. Quattrovalvole có động cơ 5.2L với 4 van trên mỗi xi-lanh và 6 bộ chế hòa khí Weber, tạo ra công suất đáng kinh ngạc 449 mã lực và mô-men xoắn 500 Nm. Sau đó, mẫu xe này được điều chỉnh một số chi tiết ở ngoại thất nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật để xuất khẩu sang Mỹ. Nhìn chung, Quattrovalvole thành công và bán được 631 chiếc từ 1985-1988, chính thức đưa Lamborghini lên cạnh tranh trực tiếp với Ferrari.

Lamborghini Countach LP5000 QV

Luigi Marmiroli, một kỹ sư được đào tạo bởi Ferrari có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đua xe, đã trở thành giám đốc kỹ thuật mới của Lamborghini vào năm 1985, thay thế Alfieri và tiếp quản công việc phát triển "người kế nhiệm" cho Countach, đồng thời đánh dấu một cột mốc đáng chú ý trong tương lai.

Trong khi đó, sự phát triển của xe địa hình hiệu suất cao vẫn cứ tiếp tục cùng một số nguyên mẫu cho đến khi LM002 ra mắt tại Brussels Auto Show 1986, có cả phiên bản cho quân đội và đường phố. Vào thời điểm đó, LM002 là loại xe địa hình nhanh nhất có thể mua, với sức mạnh khủng khiếp, thiết kế hầm hố góc cạnh ấn tượng và kích thước giống như xe tải.

LM002

Mẫu xe địa hình này được đặt biệt danh "Rambo Lambo" vì ngoại hình đồ sộ của mình và được phát triển trên khung gầm hình ống bằng thép với động cơ V12 được gắn ở phía trước giúp cân bằng trọng lượng tốt hơn. Đặc biệt đối với LM002, Pirelli đã thiết kế riêng lốp xe Scorpion 345/60 R17 với hai mẫu gai lốp khác nhau và áp dụng công nghệ run flat cho hiệu suất tuyệt vời trên mọi địa hình. Xe có kích thước 4.790 x 2.000 x 1.850 mm và có trọng lượng lên đến 2.700 kg dù đã sử dụng các tấm thân xe bằng nhôm và sợi thủy tinh.

Với kích thước như vậy, bên trong xe là cả một cabin rộng rãi, hành khách có thể tận hưởng ghế bọc da sang trọng, điều hòa không khí, cửa sổ điện cùng hệ thống âm thanh cao cấp. Hơn 300 chiếc LM002 đã được bán từ năm 1986 đến 1992, nhưng tất cả chúng đều là phiên bản dân sự vì quân đội Mỹ vẫn tin tưởng những chiếc xe Humvee hơn. Bên cạnh những người nổi tiếng như Sylvester Stallone, Mike Tyson và Tina Turner, LM002 còn thu hút và dành được sự yêu thích của cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi, hay Vua Hassan của Ma-rốc.

Đến năm 1987, Horacio Pagani, người gia nhập Lamborghini vào năm 1982, đã trở thành một kỹ sư trưởng, phụ trách phát triển các công nghệ tiên tiến cho các mẫu xe trong tương lai. Một trong những sáng tạo của ông trong quá trình nghiên cứu thiết kế mẫu Countach Evoluzione được mọi người đón nhận là phần khung và thân xe chế tạo từ vật liệu tổng hợp (kevlar, sợi carbon và nhôm), giúp giảm trọng lượng xuống 980 kg, nhẹ hơn khoảng nửa tấn so với phiên bản sản xuất.

Evoluzione

Động cơ cũng được tinh chỉnh tạo ra 493 mã lực kết hợp các yếu tố khí động học mới cùng trọng lượng thấp hơn giúp nâng tốc độ tối đa của chiếc xe lên 330 km/h. Trong số các công nghệ tiên tiến được thử nghiệm trên Evoluzione thì nổi bật nhất vẫn là hệ thống treo điều khiển điện tử mà hầu hết đều có trên những chiếc siêu xe hiện đại bây giờ, phanh ABS và hệ dẫn động tất cả các bánh.

Mặc dù được đánh giá để lại những kinh nghiệm có giá trị cho các mẫu xe trong tương lai, nhưng Evoluzione lại không bao giờ được đưa vào sản xuất và kết thúc vòng đời sau khi gặp sự cố trong thử nghiệm. Pagani đề xuất việc sử dụng thêm nhiều bộ phận bằng sợi carbon hơn trên các mẫu xe Lamborghini, nhưng các giám đốc điều hành lại không đồng ý với anh về việc mua thiết bị xử lí nhiệt nên sau đó ông quyết định rời công ty và thành lập công ty riêng.

Evoluzione

Trong cùng năm đó, với sự thất bại của Evoluzione đã khiến anh em nhà Mimran phải đánh giá lại hiệu quả của dòng tiền họ đổ vào Lamborghini và biết rằng số vốn của họ không đủ cho nhu cầu của công ty phát triển, sau đó đồng ý bán Lamborghini cho Chrysler với mức giá 25,2 triệu USD. Ngay sau khi thỏa thuận được hoàn tất, mẫu xe concept gây tranh cãi nhất trong lịch sử của thương hiệu đã ra mắt tại Frankfurt Motor Show 1987 dưới cái tên Chrysler Lamborghini Portofino.

Chiếc sedan thể thao này phát triển dựa trên khung gầm kéo dài của Jalpa với nội thất rộng rãi và bốn cửa cắt kéo, nhưng kiểu dáng của Chrysler thì không có chút liên quan nào đến Lamborghini, nói cách khác thì nó trông thật xấu xí.

Chrysler Lamborghini Portofino

Năm 1987, cựu kỹ sư của Ferrari, Mauro Forghieri đến đề nghị với Lamborghini để hỗ trợ thiết kế động cơ xe đua V12 cho đội  đua F1 Larrousse. Chrysler đã phê duyệt dự án đồng thời thành lập bộ phận Lamborghini Engineering, kết quả là động cơ 3.5L công suất 600 mã lực đã được trang bị trên chiếc Lola LC89 cho mùa giải F1 năm 1989.

Ngoài Larrousse, Lamborghini cũng là nhà cung cấp động cơ cho chiếc xe 102 F1 của đội Lotus vào năm 1990. Sự hợp tác của Lamborghini với giải đua F1 tiếp tục vào năm 1991 khi Modena Team SpA đề nghị hãng cung cấp động cơ cho đội ngũ non trẻ của mình đồng thời thiết kế luôn khung gầm cho chiếc Lambo 291 F1 của họ. Mặc dù có công suất ấn tượng nhưng động cơ vẫn gặp vấn đề về độ an toàn dẫn đến không thành công trong lĩnh vực đua xe. Đội đua đã bỏ nó qua một bên chỉ sau một mùa giải.

Lola LC89

Đến cuối những năm 1980, những sự thay đổi khẩn cấp được đặt ra không chỉ cho riêng Countach đã 17 năm tuổi, mà còn cho cả Jalpa mới sản xuất vào năm 1988. Vì thế mẫu concept P140 được thiết kế bởi Marcello Gandini với kiểu dáng targa, nổi bật với động cơ 4.0L V10 hút khí tự nhiên hoàn toàn mới công suất 365 mã lực đã ra đời. Trong những năm tiếp theo, ba nguyên mẫu đã được chế tạo và đưa vào thử nghiệm rộng rãi, đạt tốc độ tối đa 294 km/h, nhưng không may, cuộc khủng hoảng dầu mỏ đầu thập niên 90 đã làm gián đoạn kế hoạch sản xuất của P140.

Lamborghini Countach 25th Anniversary

Lần xuất hiện cuối cùng của Countach là phiên bản kỷ niệm 25 năm ra mắt năm 1988. Dựa trên khung gầm Quattrovalvole với thân và nội thất được thiết kế lại đáng kể, chiếc siêu xe được định sẵn là phiên bản giới hạn kỷ niệm 25 năm của Lamborghini, nhưng lại vượt quá mong đợi, đây là phiên bản bán chạy nhất của Countach với 667 chiếc được sản xuất cho đến năm 1990.

Sau 4 năm phát triển, chiếc Lamborghini đầu bảng mới được chờ đợi từ lâu đã ra mắt vào năm 1990. Diablo lấy theo tên một con bò tót chiến đấu hung hăng của thế kỷ 19, sở hữu thiết kế cực ấn tượng và mang tính khí động học cao. Ban đầu được "chấm bút" bởi Marcello Gandini nhưng đã bị thay đổi bởi Trung tâm Thiết kế Chrysler ở Detroit cho vẻ ngoài mềm mại hơn.

Lamborghini Diablo

Được thiết kế lại bởi Luigi Marmiroli, Diablo sử dụng động cơ 5.7L V12 nâng cấp, sản sinh công suất 485 mã lực và có hệ thống phun nhiên liệu đa điểm do Weber và Marelli phát triển. Kết quả là, Diablo trở thành chiếc xe nhanh nhất thế giới vào thời điểm đó, với tốc độ tối đa là 325 km/h, thời gian tăng tốc từ 0-100 km/h trong 4,5 giây. Nội thất cũng là một bước tiến đáng kể, với tầm nhìn và công thái học được cải thiện đáng kể, nhiều không gian hơn cho hành khách, ghế ngồi có thể điều chỉnh hoàn toàn, bọc da và hệ thống âm thanh nổi cao cấp Alpine.

Diablo được công chúng lúc bấy giờ đón nhận rất nồng nhiệt, thêm vào đó là nỗ lực mở rộng của Chrysler trong việc cải thiện mạng lưới bán hàng của Lamborghini tại Mỹ đã giúp công ty bán được 673 chiếc vào năm 1991. Những con số có vẻ đầy hứa hẹn nhưng một lần nữa lại bị gián đoạn khi cuộc khủng hoảng kinh tế khiến doanh số giảm xuống chỉ còn 166 chiếc vào năm 1992.

Vào ngày 20/2/1993, Ferruccio Lamborghini đã qua đời ở tuổi 76 tại Perugia sau một cơn đau tim. Người sáng lập Lamborghini đã không còn liên quan với công ty mang tên ông từ năm 1974, và chiếc xe cuối cùng mang tên mình ông được nhìn thấy chính là Diablo.

Trong khi đó, Diablo VT (Viscous Traction) cũng được giới thiệu đến khách hàng, trang bị hệ thống truyền động bốn bánh có thể truyền 25% năng lượng tới các bánh trước. Diablo VT cũng đem lại cảm giác lái thoải mái và tinh tế hơn so với phiên bản dẫn động cầu sau, với tay lái trợ lực, nội thất nâng cấp cùng hệ thống giảm xóc Koni điều chỉnh điện tử.

Như một phần của lễ kỷ niệm 30 năm của Lamborghini, Diablo SE30 lấy cảm hứng từ xe đua được đưa vào sản xuất dưới dạng phiên bản giới hạn. Chiếc xe dẫn động cầu sau nổi bật khi sở hữu động cơ 523 mã lực, nặng 1.450 kg, có cửa sổ bên Plexiglass, bánh xe hợp kim magiê, nội thất Spartan và ghế bằng sợi carbon. Ngoài ra, 28 trong số 150 chiếc SE30 đã được "chuyển đổi" thành những chiếc xe đua Jota, với công suất tăng thêm lên tới 595 mã lực cùng hệ thống ống xả mở.

Lamborghini Diablo SE30

Ngay cả sau những lần ra mắt đó, doanh số vẫn không phục hồi khiến các giám đốc của Chrysler nghi ngờ về việc ném thêm tiền vào Lamborghini sẽ không đem lại bất kỳ lợi nhuận nào. Cuối cùng, vào năm 1994, Automobili Lamborghini đã được bán với giá 40 triệu USD cho công ty cổ phần MegaTech Ltd, thuộc sở hữu của Indonesian Setdco Pty.

Các chủ sở hữu mới của công ty là doanh nhân Setiawan Djody và Tommy Suharto, con trai của Tổng thống Indonesia lúc đó Suharto, họ tham gia vào các công ty khai thác, sản xuất và vận chuyển khác nhau. Setdco Pty cũng sở hữu hãng sản xuất siêu xe Vector Aeromactor của Mỹ, phát triển mẫu Vector M12 dựa trên Diablo.

Diablo là mẫu xe duy nhất được Lamborghini bán vào thời điểm đó nên việc mở rộng phạm vi sản phẩm rõ ràng là điều cần thiết cho tương lai của thương hiệu. Do đó, mẫu xe concept  Lamborghini Calà được ra mắt vào năm 1995, với khung gầm bằng nhôm và động cơ 4.0L V10 công suất 395 mã lực.

Lamborghini Calà

Nhà thiết kế người Ý Giorgetto Giugiaro đã đề xuất và phát triển một ngôn ngữ thiết kế mới cho Lamborghini, với các cạnh tròn, hình dạng tự nhiên và các chi tiết "hung hăng", tuy nhiên việc thiếu kinh phí đã khiến Calà không vượt qua được giai đoạn nguyên mẫu.

Bên cạnh Calà, một mẫu xe rất tuyệt vời khác đã ra mắt tại Geneva Motor Show 1995 là Diablo SV (Sprinto Veloce). "Con quái vật" dẫn động cầu sau này có giá thấp hơn một chút, nhưng lại là phiên bản mạnh mẽ hơn của Diablo với công suất 510 mã lực, la-zăng 18-inch, phanh lớn hơn và cánh lướt gió  sau thiết kế mới làm bằng sợi carbon.

Lamborghini Diablo SV

Trong cùng năm đó, Lamborghini cho trình làng chiếc Diablo VT Roadster dẫn động bốn bánh ở dạng sản xuất, với mui xe mở/gập điện bằng sợi carbon và các khe hút gió lớn hơn để phân biệt với phiên bản coupe.

Sau nhiều năm ấp ủ, chiếc xe đua chính thức đầu tiên của Lamborghini được ra mắt tại Geneva Motor Show 1996. Diablo SVR chính là phiên bản xe đua của Diablo SV, được phát triển để cạnh tranh tại giải vô địch Lamborghini Super Trofeo Europe.

Doanh số bắt đầu tăng trở lại và vào năm 1996, cựu giám đốc điều hành Fiat - Vittorio di Capua trở thành CEO của Lamborghini. Với kinh nghiệm hơn 40 năm tại tập đoàn Fiat S.p.A, Vittorio di Capua ngay lập tức thực hiện một kế hoạch cải tổ trên diện rộng. Chỉ trong 1 năm, giám đốc điều hành mới đã giúp nâng công suất nhà máy lên 50% và tiếp tục tăng doanh số cho công ty, đạt được mục tiêu làm cho công ty có lợi nhuận.

Năm 1998, sau cuộc khủng hoảng tài chính ở Châu Á, các nhà đầu tư Indonesia đã bán Lamborghini với giá 110 triệu USD, đánh dấu lần thứ 5 thay đổi quyền sở hữu trong lịch sử 35 năm. Tuy nhiên, lần này mọi thứ đã khác khi chủ sở hữu mới, Audi AG, đã chứng tỏ mình là một đích đến an toàn cho Lamborghini, giúp hãng xe phát triển và vượt lên theo cách chưa từng thấy.

Lamborghini lúc đầu tiếp cận với Audi vì động cơ 8 xi-lanh của hãng xe Đức để trang bị cho siêu xe mới của mình nhưng những cuộc đàm phán ban đầu này về sau còn trở nên lớn hơn cả một sự hợp tác kỹ thuật.

Sau một thời gian dài lênh đênh, Lamborghini được hưởng lợi từ các nguồn quỹ khổng lồ, chuyên môn kỹ thuật và tài năng quản lý của Tập đoàn Volkswagen. Người đứng sau kế hoạch đầy tham vọng này là Chủ tịch Ferdinand Piëch, người muốn củng cố hình ảnh của tập đoàn bằng cách đồng thời thêm Lamborghini, Bentley và Bugatti vào danh mục đầu tư khổng lồ của mình.

Canto

Năm 1998, nhà thiết kế người Bỉ Luc Donckerwolke được bổ nhiệm làm trưởng bộ phận thiết kế tại Lamborghini SpA, tập trung phát triển mẫu xe kế nhiệm cho Diablo. Piëch cũng đồng thời từ chối một số đề xuất thiết kế từ I.D.E.A. và Bertone cho chiếc Lamborghini đầu bảng mới, cuối cùng loại bỏ luôn sự phát triển của mẫu xe concept Canto do Zagato thiết kế năm 1999.

Cùng thời điểm đó, Franz-Josef Paefgen (Chủ tịch Audi) được bổ nhiệm làm Chủ tịch Lamborghini trong khi Giuseppe Greco (cựu giám đốc điều hành của Fiat, Ferrari và Alfa Romeo) trở thành CEO.

Chiếc xe đầu tiên được ra mắt thuộc quyền sở hữu của tập đoàn mới, là dòng Diablo nâng cấp, ra mắt tại Paris Motor Show 1998. Động cơ nổi bật với hệ thống điều tiết van biến thiên, sản sinh công suất 529 mã lực và mô-men xoắn 605 Nm mô men xoắn ở cả hai phiên bản VT và SV. Diablo bản nâng cấp đi kèm với đèn pha cố định "vay mượn" từ Nissan 300ZX, bánh xe 18-inch, thiết kế bảng điều khiển trung tâm hiện đại, phanh ABS tiêu chuẩn và túi khí cho cả hành khách.

Lamborghini Diablo GT

Phiên bản đặc biệt nhất của Diablo ra mắt tại Geneva Motor Show 1999. Diablo GT dẫn động cầu sau là phiên bản đường phố của nguyên mẫu xe đua GT2, với động cơ mở rộng 6.0L V12 cho công suất 575 mã lực và mô-men xoắn 630 Nm, hệ thống treo điều chỉnh, ống xả xe đua, sử dụng nhiều vật liệu tổng hợp và các tinh chỉnh khác nhau.

Tổng thể thân xe bằng sợi carbon được thiết kế lại hoàn toàn với các bộ phận khí động học lớn, hốc hút khí bổ sung cùng cánh gió lớn là điểm để phân biệt GT với bất kỳ chiếc Diablo nào khác, cabin cũng được trang bị ghế đua, vô lăng mới và bọc Alcantara. Trong một tuyên bố chưa được kiểm chứng, Lamborghini cho biết Diablo GT là chiếc xe nhanh nhất thế giới vào thời điểm đó với tốc độ tối đa 340 km/h.

Diablo VT 6.0

Với sự chậm trễ trong giai đoạn phát triển, cuối cùng mẫu Diablo VT 6.0 cũng được ra mắt năm 2000, đánh dấu phiên bản Diablo tinh tế nhất từ ​​trước đến nay. Nổi bật với thân xe bằng sợi carbon được tái thiết kế, chất lượng xe cũng được cải thiện với nội thất sang trọng và tiện dụng hơn, động cơ 6.0L V12 nâng cấp cho công suất 550 mã lực và 620 Nm mô men xoắn. Trong quá trình 11 năm sản xuất, tất cả các phiên bản của Diablo đã bán được 2.884 chiếc, để lại dấu ấn không thể xóa nhòa trong thời đại siêu xe Ý thập niên 1990.

Quay trở lại năm 1879, một con bò tót chiến đấu tên Murcielago (trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là con dơi) đã sống sót sau 24 nhát kiếm của đấu thủ - người đã tha mạng và tặng nó cho Don Antonio Miura để lai giống Miura. Do đó, Murcielago là cái tên hoàn hảo cho siêu xe đầu bảng mới của Lamborghini ra mắt năm 2001, tượng trưng cho tinh thần chiến đấu dũng mãnh của nó.

Murcielago

Murcielago được thiết kế bởi Donckerwolke, giữ lại dáng hình nêm đặc trưng của Lamborghini, cửa cắt kéo và tỷ lệ buồng lái phía trước lấy từ những người tiền nhiệm, vẻ ngoài hầm hố, nắp động cơ lấy cảm hứng từ Miura và các hốc gió có thể điều chỉnh để làm mát cho động cơ.

Động cơ 6.2L V12 được tinh chỉnh tạo ra 572 mã lực và mô-men xoắn 650 Nm, cho phép xe tăng tốc từ 0-100 km/h trong 3,8 giây, tốc độ tối đa đạt 330 km/h. Cả thông số kỹ thuật và tính thẩm mỹ của Murcielago đều khá ấn tượng, nhưng khía cạnh quan trọng nhất của mẫu xe mới là chất lượng chế tạo cũng được cải thiện rất nhiều, cùng với thử nghiệm trước khi đưa vào sản xuất rộng rãi đã làm nên một chiếc xe tinh tế nhất trong lịch sử Lamborghini.

Bên cạnh đó, nhà máy sản xuất cũng được tái thiết hoàn toàn, cùng với đó là một bảo tàng Lamborghini hai tầng được xây dựng bên cạnh nhà máy tại Sant'Agata.

Vào năm 2003, Lamborghini đã tiết lộ chiếc xe đua Murcielago R-GT, được phát triển bởi Reiter Engineering và Audi Sport để tuân thủ các thông số kỹ thuật của FIA, ACO và JAF, xe có hệ dẫn động cầu sau với động cơ V12 tiêu chuẩn, hộp số cơ khí tuần tự mới và một bodykit khí động học hoàn chỉnh.

Gallardo

Sau nhiều nỗ lực nhưng không thành công, thì chiếc "Baby Lambo" thành công nhất đã được công bố tại Geneva Motor Show 2003. Được đặt theo tên giống bò chiến đấu, Gallardo mang đến trải nghiệm lái hàng ngày thân thiện và thoải mái mà không làm mất đi vẻ ngoài hầm hố và hiệu suất của một chiếc siêu xe.

Ở thế hệ đầu tiên, Gallardo được trang bị động cơ 5.0L V10 sản sinh công suất 493 mã lực và mô-men xoắn 510 Nm, đi kèm hệ dẫn động bốn bánh vĩnh viễn, cho khả năng tăng tốc từ 0-100 km/h trong 4,2 giây với tốc độ tối đa 309 km/h.

Trong quá trình 10 năm sản xuất, Gallardo đã ghi nhận tổng doanh số đạt mốc 14.022 chiếc, trở thành chiếc Lamborghini bán chạy nhất mọi thời đại và chiếm gần 50% doanh số tích lũy trong lịch sử thương hiệu.

Tại Geneva Motor Show 2005, Lamborghini đã trình làng mẫu Murcielago Roadster, đúng 1 năm sau khi chiếc xe concept tương tự với thiết kế vỏ động cơ độc đáo và mui xe bằng vải có thể tháo rời, được tiết lộ.

Sau đó, Gallardo Spyder xuất hiện tại Frankfurt Motor Show 2005 với mui xe bằng vải có thể thu vào lấy cảm hứng từ thiết kế của mẫu Concept S được trình bày trước đó trong cùng năm. Xe sỡ hữu động cơ V10 nâng cấp công suất 513 mã lực.

Năm 2005, Stephan Winkelmann được bổ nhiệm làm Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Automobili Lamborghini SpA, tiếp tục dẫn dắt công ty đi cùng các nhà sản xuất siêu xe hàng đầu.

Miura concept

Phiên bản Miura concept năm 2006, ra mắt trong dịp kỷ niệm 40 năm của dòng xe này, dựa trên thiết kế nguyên gốc của Miura nhưng mang nhiều nét cải tiến phù hợp với thế kỷ 21. Tuy nhiên nó chưa bao giờ được lên kế hoạch sản xuất hàng loạt vì phong cách retro của Walter De Silva không phù hợp với ngôn ngữ thiết kế của công ty.

Tại Geneva Motor Show 2006, Lamborghini đã ra mắt phiên bản Murcielago LP640 nâng cấp với động cơ V12 mạnh mẽ hơn công suất 631 mã lực, xe được trang bị thêm hệ thống định thời biến thiên liên tục, hệ thống treo điều chỉnh, ống xả mới và phanh gốm carbon.

Tổng thể ngoại thất được nâng cấp với cản trước mạnh mẽ hơn, cửa hút khí bên không đối xứng, bộ khuếch tán sau và đồ họa đèn hậu LED được thiết kế lại kết hợp với một vài cải tiến bên trong cabin. Phiên bản Murcielago LP640 Roadster ra đời sau đó cũng được hưởng lợi từ việc nâng cấp tương tự.

Lamborghini Reventon

Vào năm 2007, thế giới đã phải kinh ngạc khi nhìn thấy chiếc Lamborghini Reventon độc quyền với con số giới hạn chỉ 20 chiếc và được bán hết trước khi chiếc xe ra mắt thực tế, mặc dù có giá lên đến 1,5 triệu USD.

Dựa trên nền tảng của Murcielago, Reventon được phân biệt bằng thân xe sử dụng sợi carbon tổng hợp mới với thiết kế góc cạnh lấy cảm hứng từ máy bay chiến đấu. Thành công của mẫu xe này là tiền đề cho sự ra mắt của Reventon Roadster vào 2 năm sau với giá 2,1 triệu USD.

Dòng xe Gallardo rất thành công cũng nhận được một loạt các bản cập nhật quan trọng trong năm 2008, cả phiên bản Coupe và Spyder. Bên cạnh thiết kế ngoại thất được hiện đại hóa, hệ thống treo cũng được làm lại, động cơ 5.2L V10 cho công suất 552 mã lực đồng thời giảm lượng khí thải và cải thiện hiệu quả nhiên liệu. Các nâng cấp giúp mẫu xe tăng tốc từ 0-100 km/h chỉ trong 3,7 giây và đạt độ tối đa là 325 km/h - thậm chí còn nhanh hơn cả mẫu xe đỉnh cao được xuất giới hạn Gallardo Superleggera ra mắt một năm trước đó.

Gallardo Superleggera

Tại Paris Motor Show 2008, trong một động thái gây sốc, Lamborghini cho ra mắt Estoque - một mẫu siêu xe thể thao 4 cửa với động cơ V10 ở phía trước. Bất chấp sự chào đón của giới truyền thông, người kế vị tinh thần của Espada đã không được đưa vào sản xuất, có thể vì cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã bắt đầu ảnh hưởng đến thị trường xe hơi hạng sang.

Espada

Phiên bản Murcielago cuối cùng và mạnh nhất - LP670-4 SuperVeloce - ra mắt tại Geneva Motor Show 2009 với số lượng sản xuất giới hạn 350 chiếc. Chiếc siêu xe hồi sinh biệt danh SV huyền thoại đi kèm với gói khí động học hầm hố làm từ sợi carbon cho trọng lượng nhẹ hơn 100 kg và công suất tăng lên 661 mã lực, cho phép tăng tốc 0-100 km/h trong 3,2 giây, đạt tốc độ tối đa 340 km/h.

Trong suốt 10 năm sản xuất từ ​​2001-2011, Murcielago đã bán được tổng cộng 4.099 chiếc và trở thành chiếc siêu xe đầu bảng bán chạy nhất cho đến nay của Lamborghini.


LP670-4 SuperVeloce

Phiên bản hiệu suất cao tiếp theo được Lamborghini tiết lộ là Gallardo LP570-4 Superleggera. Giống như người tiền nhiệm của nó, xe áp dụng rộng rãi sợi carbon cho trọng lượng nhẹ hơn 70 kg, hệ thống treo cứng hơn, khí động học được cải thiện và công suất 562 mã lực, cho thời gian tăng tốc ấn tượng 0-100 km/h trong 3,4 giây, đạt tốc độ tối đa 325 km/h.

Dòng xe Gallardo tiếp tục được mở rộng với việc bổ sung hệ truyền động cầu sau trên 2 mẫu LP550-2 Coupe và Spyder, cộng với các phiên bản đặc biệt cùng các nâng cấp về ngoại hình và kỹ thuật được sản xuất với số lượng hạn chế.

Gallardo LP570-4 Superleggera

Chiếc siêu xe đua ý tưởng Sesto Elemento là một cuộc trình diễn chuyên môn và kỹ thuật của Lamborghini về công nghệ sợi carbon tại Paris Motor Show 2010. Thiết kế cực đỉnh, khung gầm nguyên khối, hệ thống dẫn động bốn bánh và trọng lượng 999 kg, kết hợp với động cơ V10 của Superleggera, đã có rất nhiều người hỏi về giá của chiếc siêu xe độc đáo này và thuyết phục Lamborghini sản xuất giới hạn 20 chiếc trong năm 2013.

Sesto Elemento

Chương lớn tiếp theo dành cho Lamborghini bắt đầu vào năm 2011 với việc ra mắt Aventador LP700-4. Chiếc Lamborghini nhanh nhất cho đến nay trang bị động cơ 6.5L V12 hút khí tự nhiên, sản sinh công suất 690 mã lực và mô-men xoắn cực đại 690 Nm. Nhờ có Aventador và các biến thể của nó, huyền thoại về chiếc Lamborghini động cơ V12 đặt giữa đã thực sự tồn tại, xe đi kèm với ngoại hình tuyệt đẹp, khung gầm monocoque bằng sợi carbon, âm thanh ống xả lớn đặc trưng cùng con số hiệu suất ấn tượng - tăng tốc từ 0-100 km/h trong 2,9 giây và đạt tốc độ tối đa vượt quá 350 km/h.

Aventador

Bắt đầu từ năm 2011 và 7 năm liên tiếp sau đó, Lamborghini tiếp tục phá vỡ kỷ lục doanh số với 3.815 xe được bán trong năm 2017 và có cả một mạng lưới bán hàng mạnh mẽ bao gồm 145 đại lý tại 50 quốc gia.

Siêu xe Huracan thay thế cho Gallardo vào năm 2014 với một số biến thể bao gồm Huracan Performante (2017) cũng đóng góp rất nhiều cho sự tămg trưởng của công ty. Tương tự, Aventador SVJ (2018) dựa trên bản nâng cấp Aventador S (2017), đã mang đến một cấp độ hoàn toàn mới về hiệu suất và động lực lái xe, phá vỡ kỷ lục về thời gian hoàn thành một vòng đua tại Nürburgring Nordschleife.

Huracan

Cuối cùng, "siêu SUV" Urus gây nhiều tranh cãi nhưng lại rất ấn tượng được cho ra mắt vào năm 2017, dự kiến sẽ giúp Lamborghini tăng gần gấp đôi doanh số khi kết hợp giữa sự sang trọng, thực tế, vẻ ngoài hầm hố và tinh thần siêu xe trong một chiếc xe địa hình.

Urus

Bên cạnh các mẫu được sản xuất hàng loạt, một loạt các mẫu xe ý tưởng như chiếc Egoista (2013), Grand Tourer Asterion (2014), và các siêu xe sản xuất giới hạn độc quyền như Veneno (2014) và Centenario(2016) cũng góp phần củng cố hình ảnh của thương hiệu khi góp phần "bơm" thêm vốn vào công ty.

Vào năm 2016, Stefano Domenicali đã thay Winkelmann làm CEO của Automobili Lamborghini SpA. Trong cùng năm đó, chương trình tùy chỉnh Ad Personam cho phép khách hàng tự tạo ra chiếc Lamborghini độc đáo của riêng họ với những sự lựa chọn đa dạng từ vô số màu sắc đến các vật liệu cao cấp.

Asterion

Ngày nay, Lamborghini tiếp tục cho ra đời một loạt các siêu xe nổi bật với đặc tính và thiết kế độc đáo đặc trưng của thương hiệu. Mặt khác những "chú siêu bò" cũng bị chỉ trích vì đã hy sinh một phần linh hồn nguyên thủy của mình để phù hợp với chuẩn cao về an toàn và tinh tế của Tập đoàn Volkswagen.

Tất nhiên, nếu Ferruccio Lamborghini vẫn còn sống đến ngày hôm nay, chắc chắn ông ấy sẽ thấy cực kỳ tự hào về những gì mình đã để lại, và chắc hẳn ông cũng sẽ chẳng thể nào tin được số lượng những chiếc xe đã được sản xuất ra từ nhà máy tại Sant’Agata.


AutoVn: Mời độc giả xem lại Phần 1: Sự khởi đầu của một huyền thoại tại đây.

Chia sẻ bài đăng
Văn Hóa Xe