Những điều cần biết về đường đua F1 tại Việt Nam

Từ năm 2020, một chặng đua mới đầy thú vị của giải đua F1 danh tiếng sẽ lần đầu tiên được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.

Việt Nam sẽ trở thành nơi tổ chức chặng đua đường phố (street race) thứ 4 trong lịch thi đấu F1, sau Monaco, Singapore và Azerbaijan. Đồng thời cũng là chặng đua thứ 4 ở Châu Á cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Singapore.

Đội ngũ Motorsports của F1 đã làm việc với công ty thiết kế đường đua nổi tiếng Tilke để tạo ra chặng đua đường phố hỗn hợp dài 5,565 km với 22 khúc cua, sử dụng cả các tuyến đường giao thông hiện có và xây dựng chuyên nghiệp.


Mô phỏng đường đua F1 tại Việt Nam

Lấy cảm hứng từ những đường đua danh tiếng trên thế giới

F1 hấp dẫn với rất nhiều đường đua tuyệt mỹ nhưng cũng đầy thử thách, vì vậy trong việc tạo ra một đường đua mới, các kiến trúc sư thường lấy cảm hừng từ những nét kinh điển của các đường đua danh tiếng trên khắp thế giới.

Đó chính là những gì mà các kiến trúc sư của đường đua Circuit of The Americas, nơi tổ chức chặng đua United States Grand Prix, đã thực hiện. Họ đã lấy cảm hứng sáng tạo từ các khúc cua gấp Maggotts-Becketts-Chapel tại đường đua Silverstone hay góc cua số 8 (Turn 8) của đường đua Istanbul.

Một chiến lược tương tự cũng được áp dụng cho đường đua mới của Việt Nam, nằm ở phía tây của Hà Nội trong khu vực lân cận của sân vận động Mỹ Đình. Đồng nghĩa đây sẽ không phải là một chặng đua đường phố điển hình theo cách nghĩ thường thấy.


Mục đích nhằm tạo một bố cục đua hỗn hợp độc đáo, kết hợp các đặc điểm của vòng đua đường phố với một phần đường đua chuyên dụng trong phạm vi của khu vực đua. Các nhà thiết kế mong muốn tránh xa những góc cua kiểu giao lộ cắt nhau 90 độ và tạo điều kiện thuận lợi cho những vòng đua bám đuổi trong khi vẫn giữ được đường phố khép kín khiến cho đường đua gay cấn hơn với các tay đua.

Mô phỏng đường đua F1 tại Việt Nam

Góc cua số 1 và 2 được khơi nguồn dựa trên các góc mở của đường đua Nurburgring của Đức - được gọi với cái tên "vùng đỏ" của những cú vượt mặt. Chắc hẳn người hâm mộ vẫn còn nhớ vào năm 2006 khi Juan Pablo Montoya "quét" bay đối thủ Giancarlo Fisichella bằng cách núp gió một đoạn đường dài thẳng và vượt mặt ngay tại góc cua số 1.

Mô phỏng đường đua F1 tại Việt Nam

Góc cua số 12 đến 15 có thể trông rất quen thuộc với những ai là fan của F1 vì chúng được lấy cảm hứng từ một phần của chặng đua đường phố nổi tiếng ở Monaco, từ góc cua số 1 và đoạn chạy ngược lên đồi Massenet.


Mô phỏng đường đua F1 tại Việt Nam

Khúc cua từ 16 đến 19 thì có những đoạn yêu cầu đánh lái với tốc độ cao gợi nhớ đến những đoạn cua biểu tượng ở Esses tại đường đua Suzuka, trong khi ba góc cua cuối cùng được lấy cảm hứng từ chặng Sepang của Malaysia với các góc cua trái phải liên hồi đồng thời ôm cua với tốc độ cao. Đó là quãng đường cực kỳ khó khăn và đầy thách thức, luôn có những sai lầm chờ chực xảy ra, đồng thời cũng mở ra cơ hội cho các tay đua bám đuổi phía sau bứt phá về đích.

Quá trình thiết kế đường đua

Tất nhiên đó là cả một quá trình dài. Chủ đầu tư đã đưa ra các đề xuất về vị trí tiềm năng, bố cục đường đua và các dữ liệu CAD liên quan để đội ngũ Motorsports của F1 tiếp tục xây dựng một mô hình đường đua mô phỏng nhằm đưa vào thực hiện các phân tích mô phỏng. Ở giai đoạn này, nhóm chuyên gia sẽ tính toán tất cả các thông số như tốc độ xe đua, các lực G-force và các đặc tính của đường đua.

Thiết kế cuối cùng sẽ là thành quả của sự phối hợp nhịp nhàng giữa đội Motorsports của F1, công ty thiết kế đường đua Tilke, chính quyền TP. Hà Nội và ban tổ chức chặng đua, cùng đại diện cơ quan quản lý FIA cũng tham gia vào quá trình.

Mô phỏng đường đua F1 tại Việt Nam

Các tay đua và người hâm mộ có thể mong đợi điều gì?

Điều chắc chắn là những fan hâm mộ sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng nhiều màn đua tốc độ nghẹt thở. Mặt khác, các tay đua sẽ có cơ hội phô diễn hết các kỹ năng của mình và vượt qua giới hạn bản thân.

Đường đua mới có vô số góc cua kết hợp từ tốc độ chậm, trung bình cho đến những góc cua nhẹ với tốc độ cao và cả những đoạn đường thẳng kéo dài - một trong số đó có chiều dài lên đến 1,5 km với tốc độ dự kiến là 335 km/h.

Hai đoạn mở đầu chủ yếu là những khúc cua tốc độ chậm và có nhiều đoạn đường thẳng dài hơn, trong khi các đoạn cuối được bố trí nhiều khúc cua với tốc độ cao.

Thú vị hơn là bố trí đường pit loại bỏ góc cua đầu và cuối, dẫn tới là giảm được thời gian cần thiết để hoàn thành một lượt dừng pit (pit stop) và có lẽ vì thế mà khiến chiến thuật nhiều điểm dừng trở nên hấp dẫn và khả thi hơn.

Những công việc tiếp theo

Đại diện của F1 và Giám đốc F1 Race của FIA - Charlie Whiting đã có nhiều lần đến thăm địa điểm được chọn tạo đường đua để làm việc với cơ quan quản lý chịu trách nhiệm và kiểm tra thật kỹ lưỡng thực tế đường đua, thiết kế, độ an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn của họ trước khi cấp chứng chỉ hạng 1 - cấp cao nhất được cấp cho một đường đua F1.

Từ giờ đến tháng 4/2020 là một khoảng thời gian không dài, nhưng lại có rất nhiều việc phải làm trước đó và bây giờ dự án mới chỉ bắt đầu!

Thực tế, các thiết kế, chi tiết của chặng đua cùng với kế hoạch xây dựng dự án và quy hoạch đất vẫn đang chờ được phê duyệt. Một khi kí kết hoàn tất, dự án xây dựng đường đua có thể được bắt đầu. Quá trình xây dựng cơ sở cho cuộc đua sẽ kéo dài từ nay cho đến khi khai mạc vào năm 2020.


Chia sẻ bài đăng
Feature